Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm

25/03/2013
Ngày 19/3, tại thành phố Hồ chí Minh, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (GDBĐ) đã phối hợp Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm.

Tọa đàm lần này là hoạt động tiếp nối của nhiều hoạt động hợp tác đã được triển khai trong năm 2012 của Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ và dự án Jica, trong đó ưu tiên cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các quy định về xử lý tài sản bảo đảm. Tham dự Tọa đàm có ông Nishioka – Cố vấn trưởng dự án và đông đảo đại biểu đến từ các Sở, ngành có liên quan tại thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan thi hành án, Tòa án nhân dân, đại diện các tổ chức hành nghề công chứng, một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố.

Thay mặt nhóm soạn thảo, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ đã trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư liên tịch (gồm 3 chương với 13 Điều) và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến.

Các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi và có nhiều ý kiến góp ý cụ thể, xác đáng cho từng điều luật cụ thể, chẳng hạn như: về nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm (Điều), về thủ tục xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ (Điều 7), về mức độ hỗ trợ của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm trong việc thu hồi tài sản bảo đảm (Điều 8), về thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản do xử lý tài sản bảo đảm (Điều 11)... Đặc biệt, Tọa đàm còn nghe phản ánh của một số tổ chức tín dụng về những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Tiến sỹ Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ cho rằng, những ý kiến  của đại biểu hết sức quý báu, bổ ích, là cơ sở quan trọng để nhóm soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo trước khi trình lãnh đạo các Bộ ký ban hành. Nhóm soạn thảo cũng ghi nhận ý kiến phản ánh của đại biểu về những vướng mắc, bất cập, yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm. Đối với những vấn đề chưa được giải quyết tại dự thảo Thông tư liên tịch, nhóm soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về GDBĐ nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm trong thời gian tới.

Thu Hằng- Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ