Trong khuôn khổ hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, được sự nhất trí của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014 và Ban Thường trực Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp - Bộ Tư pháp, sáng nay (29/5), Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp đã tổ chức Tọa đàm: “Các vấn đề pháp lý cần quan tâm để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn vay cho doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay”.
Tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Am Hiểu, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế; ông Vũ Văn Dũng, Phó Tổng thư ký - Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng; ông Trương Thanh Đức, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Hàng Hải, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp và đông đảo đại diện các doanh nghiệp, ngân hàng.
Mục đích của Tọa đàm nhằm trao đổi, chia sẻ giữa các thành viên Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, các doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, các cơ quan quản lý nhà nước về các chủ trương chính sách pháp luật đã được ban hành trong thời gian qua và sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó tập trung vào vấn đề vốn. Tọa đàm đã được nghe những kiến nghị và giải pháp mang tính pháp lý trong lĩnh vực tín dụng doanh nghiệp; tham luận Thực trạng và giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng; Giải pháp để đáp ứng vốn vay cho các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hiện nay - “Doanh nghiệp kinh hoàng, ngân hàng khiếp sợ”; Vay vốn ngân hàng: thách thức lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; Một vài quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại….
Qua đó thấy được vốn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các khoản vốn vay ngân hàng là rất cần thiết để doanh nghiệp có nguồn lực mua sắm, đầu tư, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, do vậy doanh nghiệp và ngân hàng cần trở thành đối tác đồng hành cùng nhau, tin cậy lẫn nhau. Các quy định của pháp luật hay tổ chức tín dụng cần phải chặt chẽ, những người có trình độ thẩm định tính hợp pháp của giấy tờ và cán bộ ngân hàng phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ và không tư lợi cá nhân để hạn chế xảy ra những sai phạm và thất thoát. Việc kiện toàn quy định pháp luật phải đồng nghĩa với việc kiện toàn nhân lực, xây dựng quy chế quy định về trình độ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng.
|
|
Tọa đàm đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội viên, các tổ chức ngân hàng, và các cơ quan nhà nước tìm ra tiếng nói chung để cùng nhau vượt qua những khó khăn hiện nay đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào ổn định duy trì tốc độ phát triển kinh tế chung của đất nước và kinh tế vĩ mô.