Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Cần ràng buộc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

12/04/2012
Để tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối” giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp (DN), ngày 10/4, Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế DN (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Tọa đàm về Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), thu thập thêm ý kiến của đại diện cơ quan Nhà nước và các DN cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật. Hai trong số những nội dung được đại biểu góp ý nhiều nhất trong cuộc Tọa đàm này liên quan tới Quỹ PCTHTL và in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.

Lập Quỹ nhằm ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp

Theo bà Trần Thị Trang (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế), việc thành lập Quỹ PCTHTL là cần thiết vì rất nhiều lý do như hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng, huy động được nguồn kinh phí ổn định cho công tác PCTHTL, thể hiện trách nhiệm xã hội của các DN sản xuất thuốc lá, của người sử dụng thuốc lá… Một số ý kiến đồng tình cho rằng, việc thành lập Quỹ sẽ tạo điều kiện huy động nguồn lực cho công tác PCTHTL theo hướng xã hội hóa bởi sản phẩm thuốc lá gây hại cho sức khỏe nên phải có trách nhiệm đóng góp cho các hoạt động PCTHTL nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá với sức khỏe cũng như thể hiện cam kết chính trị của Nhà nước về PCTHTL.

Tán thành việc thành lập Quỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi phân tích: Lập Quỹ là để có nguồn kinh phí ổn định và bền vững cho công tác PCTHTL và nâng cao sức khỏe cộng đồng khi sử dụng thuốc lá gây ra mà ngân sách Nhà nước không thể gánh được do phải chi cho việc hỗ trợ điều trị bệnh, cho công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHTL. Theo đó, nguồn hình thành Quỹ nên quy định là khoản đóng góp bắt buộc, không trùng lắp với thuế hoặc phí, lệ phí. “Việc lấy từ phí, hay thuế đều không phát huy được trách nhiệm trước xã hội của người sử dụng thuốc lá, không đáp ứng được yêu cầu thống nhất và tập trung của ngân sách Nhà nước” - ông Thi nhấn mạnh.

Đại diện cho các DN sản xuất thuốc lá, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Phạm Kiến Nghiệp lại phản đối việc thành lập Quỹ mà nên tạo nguồn kinh phí bằng giải pháp khác như nhiều quốc gia đã làm là sử dụng nguồn tài chính Nhà nước. Trong trường hợp Quỹ là bắt buộc, theo ông Nghiệp, nên tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bao thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2% và được thu cùng thuế tiêu thụ đặc biệt.

In cảnh báo phải phù hợp với Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC)

Dự thảo Luật PCTHTL hiện đang quy định in cảnh cáo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh phải chiếm ít nhất 50% diện tích của vỏ bao, tút và hộp thuốc lá. Nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và được thay đổi định kỳ 2 năm/1 lần. Một số ý kiến đồng ý với quy định trên vì như vậy sẽ phát huy tác dụng của cảnh báo và thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong PCTHTL, phù hợp với Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC).

Tuy nhiên, đại diện Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai cho rằng, Công ước FCTC chỉ yêu cầu mỗi bên tham gia Công ước phải bảo đảm in cảnh báo sức khỏe không nhỏ hơn 30% diện tích trưng bày của bao thuốc và không quy định bắt buộc thực hiện ghi nhãn phần cảnh báo có diện tích 50% so với diện tích bao thuốc lá, cũng như có thể in cảnh báo bằng chữ hoặc bằng hình ảnh. Vì vậy, đại diện Tổng Công ty đề nghị, Dự thảo Luật nên dừng lại như quy định của Công ước khung, tức là chỉ 30% và chỉ in cảnh báo bằng chữ hoặc bằng hình ảnh.

Liên quan đến việc thay đổi định kỳ 2 năm/lần nội dung in cảnh báo sức khỏe, bà Quách Kim Anh (Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam) chia sẻ, việc thay đổi này sẽ gây ra những tổn thất kinh tế lớn cho ngành sản xuất thuốc lá nội địa do phải liên tục thay đổi các trục in ống đồng nhãn bao, tút là những chi tiết máy móc thiết bị nhập ngoại có giá trị cao. Ước tính toàn ngành có khoảng 300 - 400 mác thuốc, nếu định kỳ thay đổi mẫu in cảnh báo sức khỏe 2 năm/lần thì chi phí sẽ là khoảng 2 triệu USD/2năm/lần, chưa bao gồm các tổn thất vỏ bao, tút thuốc tồn kho không sử dụng được.

Cẩm Vân