Hôm qua 22/02, Viện Khoa học pháp lý và Vụ Bổ trợ tư pháp đã tổ chức triển khai công tác năm 2012. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Nguyễn Đức Chính đã dự Hội nghị.
Đội ngũ luật sư phát triển nhanh, mạnh
Quản lý 6 lĩnh vực bổ trợ tư pháp bao gồm luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại với khối lượng công việc lớn, tuy nhiên hoạt động của Vụ Bổ trợ tư pháp được đánh giá đồng bộ, hiệu quả. Điển hình như Vụ đã tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển hành nghề luật sư đến năm 2020 - Chiến lược đầu tiên về nghề luật sư ở Việt Nam; chủ trì xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Đến nay, cả nước đã có hơn 7.200 luật sư; gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong gần 3000 tổ chức hành nghề luật sư. Tổng số luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam là khoảng 224 luật sư, số tổ chức luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam là 63 tổ chức. Năm 2011, đã cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 1094 luật sư Việt Nam, cấp 4 Giấy phép thành lập cho tổ chức luật sư nước ngoài, 22 giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài.
Trong lĩnh vực quản lý công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại ngoài xây dựng các đề án, văn bản, Vụ đã kịp thời nắm bắt và hướng dẫn địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ.
Triển khai công tác năm 2012, Vụ Bổ trợ tư pháp cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế, trong đó việc xây dựng một số Đề án, văn bản còn chậm tiến độ; công tác kiểm tra, chỉ đạo hoạt động ở địa phương trong một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa thường xuyên và hiệu quả chưa cao….
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đã ghi nhận và biểu dương những kết quả trong năm 2011 của Vụ Bổ trợ đồng thời lưu ý Vụ cần tăng cường chỉ đạo hỗ trợ nghiệp vụ cho cơ quan tư pháp địa phương. Phải quy trình hóa cấp phép hồ sơ hành nghề; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý của Vụ đồng thời tăng cường năng lực, kiện toàn đội ngũ cán bộ.
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm
Cũng trong ngày hôm qua, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã triển khai công tác năm 2012. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã tham dự Hội nghị.
Năm 2011, hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học pháp lý không ngừng phát triển, thu hút được nhiều nhà khoa học, chuyên gia, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vai trò của Viện trong nghiên cứu chiến lược được khẳng định, các nhiệm vụ khoa học ngày càng được đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và giá trị ứng dụng. Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác hoạch định chiến lược phát triển ngành Tư pháp Việt Nam, góp phần làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Tư pháp.
Năm 2012, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện KHPL là các hoạt động phục vụ cho việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992, sửa đổi Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự. Với phương châm “đi trước một bước về khoa học, kiên quyết tránh tình trạng khoa học “phụ họa” việc xây dựng Luật, năm 2012, Viện KHPL giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân với những giải pháp căn cơ, bài bản.
Ngoài ra, theo Viện trưởng Lê Hồng Hạnh, tháng 6 tới, Viện sẽ phải hoàn thành chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp. Thời gian không còn nhiều đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, viên chức.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị để việc triển khai công tác năm 2012 đạt kết quả cao hơn.
Thu Hằng
Cả nước hiện có 505 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 369 Văn phòng và 136 Phòng Công chứng với tổng số hơn 900 công chứng viên đang hành nghề. Năm 2011, Bộ Tư pháp đã cấp 847 thẻ công chứng viên cho các công chứng viên đang hành nghề tại các tổ chức hành nghề công chứng trên phạm vi cả nước; thẩm tra hồ sơ trình bổ nhiệm gần 200 công chứng viên theo quy định. |