Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về "Chiến lược phát triển Lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"

17/10/2011
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về "Chiến lược phát triển Lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"
Ngày 14 tháng 11 năm 2011, tại thành phố Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của tổ chức Chương trình đối tác tư pháp (JPP) do Liên minh Châu Âu và Thụy Điển, Đan Mạch đồng tài trợ, trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động năm 2011, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp đã tổ chức “ Hội thảo về Chiến lược phát triển Lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Tham dự Hội thảo gồm có đại diện Cục Quản lý hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Bộ Công an (C53), đại điện Tổng cục cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp tại phía Nam, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PV27), Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đại diện 14 Sở Tư pháp các tỉnh thành phố miền Trung và Nam Bộ. Tiến sĩ Phạm Quý Tỵ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã  phát biểu khai mạc và  chủ trì Hội thảo.

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và tiến hành cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thì đòi hỏi công tác quản lý lý lịch tư pháp phải được nhận thức, quan tâm và đầu tư đúng tầm với vai trò quan trọng của lý lịch tư pháp trong đời sống xã hội cũng như trong hoạt động tố tụng nhất là trước những yêu cầu cấp bách của cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Yêu cầu đó cũng đặt ra nhiệm vụ là phải nghiên cứu và xây dựng một chiến lược quản lý và phát triển toàn diện hệ thống lý lịch tư pháp trong những giai đoạn tiếp theo, trước mắt là đến năm 2020, và lâu dài hơn là đến năm 2030 nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý lý lịch tư pháp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp khoa học, hiện đại, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống lý lịch tư pháp một cách tổng thế, đồng bộ.

             

Dự thảo Chiến lược đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của chuyên gia tư vấn, đại diện các cơ quan hữu quan và đại biểu các Sở Tư pháp. Các đại biểu nhất trí cho rằng: để những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Dự thảo Chiến lược được đầy đủ, toàn diện và có tính khả thi cao khi  ban hành và triển khai trong thực tiến, thì việc tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành Luật Lý lịch tư pháp thời gian qua là rất cần thiết. Bên cạnh đó, Dự thảo Chiến lược cũng cần phải có tính dự báo tốt nhu cầu của đất nước, nhu cầu của xã hội đối với lý lịch tư pháp trong tương lai. Các giải pháp, nhiệm vụ với từng giai đoạn phải bám sát từng mục tiêu cụ thể của từng thời kỳ.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ khẳng định một lần nữa về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp và nêu rõ: ngoài những giải pháp lâu dài trong những giai đoạn phát triển xa hơn đến những năm 2020 và 2030, thì Chiến lược cũng cần phải đề ra những nhiệm vụ, những giải pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc  mà lĩnh vực lý lịch tư pháp đang gặp phải ngay trong những năm tiếp theo.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia