Toạ đàm “Định hướng sửa đổi cơ bản Bộ luật Dân sự năm 2005” tại khu vực phía nam

03/10/2011
Trong hai ngày 28,29/9, được sự tài trợ của Dự án JICA - Nhật Bản, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức Toạ đàm “Định hướng sửa đổi cơ bản Bộ luật Dân sự năm 2005” tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự Toạ đàm có các đại diện đến từ Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai,…  Toạ đàm đã diễn ra sôi nổi dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Am Hiểu, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.

Nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác với Dự án JICA, Nhật Bản, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức rất nhiều buổi Toạ đàm, Hội thảo liên quan đến sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên các Toạ đàm trước đây thường chỉ được tổ chức tại Hà Nội. Với mục đích nhằm cung cấp thông tin cũng như tiếp thu ý kiến của các chuyên gia luật học khu vực phía nam, lần đầu tiên một toạ đàm về định hướng sửa đổi BLDS năm 2005 đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Toạ đàm, các đại biểu phía nam đã thẳng thắn chỉ ra và bình luận những quy định còn nhiều bất cập trong BLDS năm 2005, qua đó đóng góp những quan điểm quý báu cho việc sửa đổi BLDS ở những phần cụ thể như: cấu trúc, phần quy định chung, hợp đồng dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hộ gia đình, thừa kế,... Tất cả các đại biểu đều thống nhất quan điểm cho rằng, đã đến lúc cần phải sửa đổi BLDS năm 2005 để có thể đáp ứng được yêu cầu của đời sống dân sự đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, chúng ta phải định hướng được cách sửa đổi cơ bản và tổng thể sao cho BLDS sửa đổi lần này không chỉ tồn tại trên dưới 10 năm như BLDS năm 1995 và BLDS 2005 mà có thể duy trì hàng trăm năm như Bộ luật Dân sự nổi tiếng của các nước Nhật Bản, Pháp, Đức. Muốn đạt được điều đó, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu hiện tại, BLDS còn phải có khả năng điều chỉnh được tất cả các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai. Tham khảo kinh nghiệm xây dựng luật của Nhật Bản, ông NISHIOKA - Cố vấn trưởng Dự án JICA Nhật Bản cho biết “BLDS Nhật Bản tiếp nối được 100 năm có lẽ bởi nguyên nhân sau: BLDS Nhật Bản rất trừu tượng, việc diễn giải do các thẩm phán tòa án thực hiện nên những khiếm khuyết của BLDS được lấp đầy bởi sự diễn giải của các thẩm phán”. Đây cũng là một phương án hay mà chúng ta có thể nghiên cứu, học tập.

Toạ đàm diễn ra thành công đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các chuyên gia phía nam đối với việc sửa đổi BLDS năm 2005. Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn sẽ được tham gia nhiều hơn nữa các toạ đàm bình luận chuyên sâu về từng lĩnh vực cụ thể của BLDS để có thể đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi BLDS năm 2005.