Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Lãm: Cần có một văn bản pháp lý về hòa giải cơ sở ở tầm luật

20/07/2011
Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (gọi tắt là Pháp lệnh) đến nay đã được tổ chức triển khai hơn 12 năm. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số bất cập, trong đó có những vấn đề mà một Pháp lệnh điều chỉnh không đạt hiệu quả bằng một đạo luật. Liên quan đến các nội dung trên, Pháp luật Việt Nam Chuyên đề đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Lãm.

Văn bản hợp lòng dân

* Nước ta hiện có khoảng 11 nghìn xã, phường, thị trấn, hơn 120 nghìn thôn, tổ dân phố, là địa bàn cư trú và sinh sống của tuyệt đại bộ phận nhân dân, với các điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán khác nhau. Nhưng, rõ ràng là Pháp lệnh đã được người dân đón nhận?

- Có thể nói, với số lượng địa bàn cơ sở lớn như vậy và cũng là nơi tập trung phát sinh các mối quan hệ xã hội phong phú, đa dạng và phức tạp, thì những va chạm, mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân là điều khó tránh khỏi và nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây mất ổn định xã hội. Vì vậy, Pháp lệnh ra đời thực sự là một văn bản hợp lòng dân nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc khôi phục, duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Báo cáo tổng kết tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh do Bộ Tư pháp tổ chức vào cuối năm 2008 cho thấy, kể từ khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động hòa giải trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực.

* Xin ông cho biết cụ thể hơn?

- Qua báo cáo đánh giá của các địa phương cũng như nắm bắt từ tình hình thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua, Tổ hoà giải ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, làm cho xóm phố yên vui, gia đình hạnh phúc, góp phần mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, tinh thần cho nhà nước và nhân dân. Phải khẳng định, những thành tựu mà đất nước ta đạt được những năm qua trong công cuộc đổi mới, kinh tế tăng trưởng khá nhanh, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững.., có phần đóng góp không nhỏ của công tác hòa giải ở cơ sở.

Đến nay, cả nước hiện có trên 120 nghìn Tổ hòa giải, hơn 623 nghìn hòa giải viên. Với tỷ lệ hòa giải thành luôn đạt từ 70% trở lên, có địa phương tỷ lệ này là hơn 90%, tôi cho rằng đây là tín hiệu hết sức khả quan, thể hiện sự chuyển biến tích cực của công tác này.

Vướng nhất là con người

* Tuy nhiên, chắc khó tránh khỏi những tồn tại trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Theo ông, đâu là vướng mắc cần quan tâm giải quyết?

- Công tác hòa giải ở cơ sở trên thực tế đã và đang gặp phải nhiều vướng mắc cần quan tâm giải quyết, như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa thật sự thống nhất, đầy đủ và đồng bộ; một số quy định trong Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể… Tuy nhiên, chúng tôi tâm niệm, làm bất cứ việc gì thì khâu con người, tổ chức luôn là quan trọng nhất. Trong công tác hòa giải ở cơ sở cũng vậy. Phải thẳng thắn nhìn nhận, các cơ quan Tư pháp ở cơ sở (Phòng Tư pháp cấp huyện, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch) chưa ổn định về tổ chức, nhiệm vụ lại ngày càng nặng nề, phần lớn phải kiêm nhiệm nhiều việc. Ở cấp xã hầu hết chỉ có một hoặc hai cán bộ chuyên trách công tác tư pháp nhưng phải đảm nhận nhiều việc (hộ tịch, hỗ trợ công tác thi hành án dân sự, chứng thực, tủ sách pháp luật… và các công việc khác do UBND phân công). Mặt khác, cán bộ tư pháp thường thay đổi, người mới được phân công đôi khi lại không nắm vững kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải và ít kinh nghiệm về công tác này nên khó bắt nhịp để chỉ đạo công tác hòa giải.

* Vậy còn vướng mắc về kinh phí thì sao, thưa ông?

- Mặc dù đã điều chỉnh theo hướng tăng lên nhưng kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn hạn chế. Trên thực tế, vì tình hình và khả năng kinh tế của từng địa phương không giống nhau nên Nghị định số 60/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh đã quy định cơ chế tương đối linh hoạt về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Do vậy, việc hỗ trợ kinh phí hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ngân sách của địa phương và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền. 

Vì thế, để có cơ sở và tạo điều kiện cho các địa phương có nguồn kinh phí chi cho công tác hòa giải, ngày 14/5/2010, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở, thay thế cho Thông tư số 63/2005/TT-BTC. Có điều, thực tế hiện nay ở nhiều địa phương còn chậm triển khai thực hiện.

Nâng “tầm” cho Pháp lệnh

* Với 12 năm đi vào cuộc sống, phải nói là Pháp lệnh đã có sức sống lâu dài. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đã đến lúc nâng “tầm” cho Pháp lệnh. Là lãnh đạo đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước trong công tác hòa giải, quan điểm của ông về ý kiến trên là như thế nào?

- Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội, từ tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải trong thời gian qua và thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này cho thấy, việc sớm ban hành Luật Hòa giải cơ sở - một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao - là cần thiết, với mong muốn có thể giải quyết một cách thấu đáo những vướng mắc, khó khăn, bất cập nảy sinh từ việc thực hiện Pháp lệnh trong thời gian qua.

Hơn nữa, trong điều kiện mới của sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều quy định của Pháp lệnh đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, cần được nghiên cứu để có sự sửa đổi, bổ sung cụ thể. Chẳng hạn, một số quy định trong Pháp lệnh còn chung chung, chưa nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân… và trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Điều đó dẫn đến cách hiểu ở nhiều nơi, nhiều lúc cho rằng công tác này là công việc, trách nhiệm của riêng ngành Tư pháp, ít coi trọng hoặc ít quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện. Luật Hòa giải cơ sở sẽ phải nâng cấp, pháp điển hóa Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải từ những vấn đề rất cụ thể như thế.

* Ông có thể “bật mí” đôi điều về nội dung của Dự án Luật không?

- Chúng tôi mới đề xuất đưa Dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII nên khó có thể nói trước điều gì. Trong tháng 6 vừa qua, tại Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Luật Hòa giải cơ sở” Bộ Tư pháp tổ chức đã có nhiều ý kiến đóng góp cho xây dựng Dự thảo Luật. Vụ đang tích cực nghiên cứu, tiếp tục thu thập các góp ý như vậy.

Chúng tôi hy vọng khi Luật được ban hành sẽ điều chỉnh thống nhất về tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải và các tổ chức hòa giải khác của nhân dân trong cộng đồng dân cư; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và mọi công dân đối với công tác hòa giải ở cơ sở, từng bước kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Cẩm Vân