Tọa đàm góp ý dự thảo Đề án thí điểm đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm

07/06/2011
Thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, sáng ngày 02/6/2011 tại Thành phố Đà Nẵng, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm về góp ý dự thảo Đề án thí điểm đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm.

Tọa đàm do ông Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và ông Nguyễn Bá Sơn - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng chủ trì, với sự tham gia của đại diện một số Sở, ngành, một số quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng (Ngân hàng nhà nước, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nội vụ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố…), đại diện các tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Sau khi nghe ông Hồ Quang Huy - Trưởng phòng Nghiệp vụ, thay mặt Nhóm thường trực của Tổ biên tập trình bày Thuyết minh nội dung dự thảo Đề án, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những vấn đề quan trọng như: Sự cần thiết xây dựng Đề án; quy trình đăng ký sau khi thí điểm; những tác động tích cực và tiêu cực của Đề án... Ông Hoàng Văn Ngọc - Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Đà Nẵng cho biết, đăng ký thế chấp chiếm 90% các giao dịch về đất đai, trong đó năm 2010 tại Đà Nẵng giải quyết 23.000 trường hợp đăng ký, trong đó Văn phòng đăng ký thành phố thực hiện 2.000 trường hợp và các Văn phòng đăng ký quận, huyện thực hiện 21.000 trường hợp, do vậy cần phải tính đến việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, việc tổ chức tập trung dữ liệu về đăng ký giao dịch bảo đảm và tổ chức cán bộ. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cho rằng dự thảo Đề án cần tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc sẽ phát sinh trong thực tế và đưa ra phương án giải quyết, xử lý cụ thể, từ đó đề xuất sửa đổi các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Ngoài ra, đại diện một số tổ chức tín dụng khẳng định việc đăng ký tập trung giao dịch bảo đảm như dự thảo Đề án có thể sẽ mang lại những thuận lợi như đăng ký nhanh chóng, dễ dàng tra cứu, tiếp cận thông tin do tập trung, thống nhất về cơ sở dữ liệu, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho cá nhân và tổ chức…       

Tọa đàm là hoạt động quan trọng để đại diện các Sở, ban, ngành và tổ chức tín dụng bày tỏ quan điểm, góp ý nội dung Đề án. Đồng thời, kết quả Tọa đàm sẽ giúp cơ quan chủ trì xây dựng Đề án nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo, phục vụ tốt nhu cầu và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dương Thu Trang - Phòng Nghiệp vụ