Sự ra đời và ý nghĩa của Ngày hội đọc sách Việt Nam năm 2011 đối với ngành Tư pháp

21/04/2011
Hướng tới kỷ niệm 16 năm Ngày đọc sách thế giới (23/4/1995 - 23/4/2011) và Kỷ niệm “Ngày hội đọc sách Việt Nam năm 2011” theo Quyết định số 1166/QĐ-BVHTTDL ngày 01/4/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi đã có dịp phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Tất Viễn - Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Tư pháp về Ngày này.

Xin ông cho biết, Ngày đọc sách thế giới ra đời khi nào? Ý nghĩa của Ngày đó ra sao?

Ngày đọc sách thế giới, tên đầy đủ là “Ngày đọc sách và bản quyền thế giới” do UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) ấn định từ năm 1995 với nhiều sự kiện được tổ chức nhằm khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới trẻ khám phá niềm vui đọc sách. 

Ngày đọc sách có xuất xứ từ một phong tục truyền thống rất đẹp của xứ Catalan (Tây Ban Nha). Vào ngày 23/4 hàng năm rất nhiều hội chợ sách, các lễ hội đường phố được tổ chức và mỗi khách hàng đều được tặng một đoá hồng kèm theo mỗi cuốn sách họ mua.

Ý nghĩa của ngày đọc sách thế giới là đẩy mạnh việc đọc sách, thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Việc hưởng ứng ngày đọc sách thế giới được các nước quan tâm như thế nào?

Hư­ởng ứng chủ trư­ơng của UNESCO, đồng thời để khẳng định những giá trị to lớn của sách báo, hơn 15 năm qua, theo thông tin chúng tôi được biết trên thế giới đã có trên 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm “Ngày sách và bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực dưới những hình thức và chủ đề phong phú khác nhau, thu hút được nhiều người tham gia, nhất là  xây dựng được mối liên hệ mật thiết giữa các th­ư viện, nhà xuất bản, cơ quan phát hành, và bạn đọc. Có thể nói nhiều nơi đã chào đón Ngày đọc sách thế giới rất nhiệt tình và sôi nổi.

Ví dụ: “Tặng một cuốn sách - tặng một đoá hồng” là một chiến dịch đặc biệt diễn ra ở nhiều nước trên thế giới nhằm tôn vinh ngày đọc sách thế giới (23/4). Ngoài ra còn có rất nhiều các hoạt động thú vị liên quan đến sách được tổ chức dưới sự khởi xướng và khuyến khích của UNESCO. Đây thực sự là ngày hội của những người yêu quý sách trên khắp hành tinh. 

Ở Việt Nam, Ngày hội đọc sách được triển khai như thế nào?

Ngày đọc sách thế giới được Hội đồng Anh (British Council) khởi xướng từ năm 1996 và bước đầu đã thu hút được nhiều bạn đọc, nhất là lớp trẻ, Trung tâm văn hoá Pháp tại Hà Nội – L’espace cũng có nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để tuyên truyền cho văn hoá đọc.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và nhiều cơ quan, tổ chức đã quan tâm đến Ngày này. Ngày 01/04/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1166/QĐ-BVHTTDL chọn ngày 23/04/2011 là “Ngày hội sách Việt Nam năm 2011”.

Theo Kế hoạch Ngày hội Đọc sách toàn quốc sẽ diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào 23/4, đúng ngày Sách và Bản quyền thế giới. Đây là lần đầu tiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, đồng thời trực tiếp triển khai Đề án tổ chức Ngày hội đọc sách Việt Nam nhằm tôn vinh sách, quảng bá cho văn hóa đọc cũng như bảo vệ quyền lợi của những người làm sách chân chính. Ngày hội đọc sách 2011 được coi như điểm nhấn và bước khởi đầu cho các hoạt động khuếch trương văn hóa đọc giai đoạn 2011-2015 và 2011-2020.

Với tư cách là Giám đốc Nhà xuất bản chuyên ngành về pháp luật, ông có ý kiến gì về Ngày hội đọc sách này?

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tài liệu, sách pháp luật là một kênh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và nhiều văn bản khác của Đảng và Nhà nước đã đề cập đến việc xây dựng, khai thác tủ sách pháp luật nhằm góp phần giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Tôi cho rằng, việc hưởng ứng Ngày hội đọc sách, trước hết là các sách pháp luật - chính trị rất có ý nghĩa đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành vì phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp.

Nhà xuất bản Tư pháp đã có biện pháp gì để hưởng ứng Ngày hội này?

Theo tôi, Ngày hội đọc sách Việt Nam là dịp cho mọi người khám phá và tự khẳng định sở thích đọc sách của mình, đồng thời là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội.

Trong năm 2010, Nhà xuất bản Tư pháp đã xuất bản hơn 200 đầu sách, trong đó có khoảng hơn 20 đầu sách cấp phát miễn phí cho các cơ quan, ban, ngành và địa phương.

Để thiết thực hưởng ứng “Ngày hội đọc sách Việt Nam năm 2011”, Nhà xuất bản Tư pháp đã giao cho Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nhà xuất bản tổ chức giới thiệu và quảng bá các ấn phẩm của Nhà xuất bản và các đối tác liên kết khác vào ngày 22/4/2011 tại nhà N1 trụ sở Bộ Tư pháp (số 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội).

Xin cảm ơn ông!