Sáng nay (24/01), Ban Quản lý Chương trình 585 phối hợp với Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm "Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp". Tham dự Tọa đàm có đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các chuyên gia pháp lý đại diện cho một số cơ quan như: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an... PGS.TS Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì Tọa đàm.
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước nói chung, pháp luật về quản lý tài sản nhà nước nói riêng không ngừng được hoàn thiện theo hướng vừa tạo quyền chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, hoạt động bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật hiện nay cũng không tránh khỏi những hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục.
Trao đổi tại Tọa đàm, PGS.TS Dương Đăng Huệ cho biết: xét về mặt pháp lý, Nhà nước ta đã thiết lập được 4 cơ chế quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, bao gồm: cơ chế cử người đại diện, cơ chế phân cấp quản lý, cơ chế giám sát, cơ chế minh bạch hóa. Tuy nhiên, nhìn chung, việc thực hiện các cơ chế nêu trên còn chưa thực sự hiệu quả, mang tính hình thức, thiếu chế tài bảo đảm thi hành. Trên cơ sở những phân tích của mình, ông đã đưa ra một số kiến nghị như: phải thành lập một cơ quan thay mặt nhà nước quản lý tất cả vấn đề sử dụng tài sản nhà nước trong doanh nghiệp, xây dựng luật về sử dụng tài sản nhà nước vào kinh doanh...
Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại biểu tham dự tọa đàm đã giành thời gian trao đổi, thảo luận về thực trạng pháp luật về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi sang tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và vấn đề thực hiện quyền chủ sở hữu đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Ngọc Khánh