Là câu chuyện giữa 2 Nhà nước
* Thưa ông, một vấn đề được quan tâm là trong giải quyết nuôi con nuôi, vai trò của chính quyền nên định vị như thế nào?
- Cho con nuôi trong nước hay nước ngoài bao giờ cũng có sự can thiệp của chính quyền, của nhà nước vào quá trình giải quyết. Trong Luật đã quy định rõ, làm con nuôi trong nước thì UBND xã, phường - nơi cư trú của người bố mẹ nuôi sẽ theo dõi 3 năm để xem đứa bé trong 3 năm ấy có hòa nhập với gia đình hay không, có bị lạm dụng, lợi dụng hay không.
Con nuôi nước ngoài cũng vậy, theo Luật, sẽ không dễ có chuyện một người Việt Nam muốn cho con đi làm con nuôi để kiếm tiền, bởi không phải tự mình làm được việc đó. Việt Nam chỉ cho trẻ em đi làm con nuôi người nước ngoài ở những nước có hợp tác Nhà nước với Việt Nam. Nói là hợp tác giữa 2 Nhà nước nhưng chỉ là khi không tìm được gia đình thay thế ở ngay trong nước thì mới cho trẻ vào danh sách giới thiệu với gia đình người nước ngoài. Gia đình người nước ngoài không vào Việt Nam tiếp xúc với đứa trẻ. Tất cả mọi việc đều có sự can thiệp của 2 phía Nhà nước.
* PV: Cụ thể là sẽ can thiệp như thế nào?
- Phía nước ngoài đọc hồ sơ của gia đình này tốt, giới thiệu cho Việt Nam. Việt Nam xem hồ sơ của gia đình ấy, thấy đứa trẻ trong nước mình cần gia đình như vậy thì sẽ giới thiệu, ghép đứa trẻ với gia đình. Khi đó sẽ hỏi gia đình có đồng ý chăm sóc, yêu thương đứa trẻ như con đẻ không thì phải trả lời. Gia đình bố mẹ nuôi phải trả lời và được cơ quan Trung ương về con nuôi bên kia sẽ xác nhận. Biên bản trả lời và xác nhận gửi cho Cục Con nuôi, Cục mới gửi Giám đốc Sở Tư pháp để trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cho đứa trẻ đi làm con nuôi. Nói vậy để khẳng định một lần nữa rằng cho trẻ đi làm con nuôi không phải là câu chuyện giữa 2 bên gia đình.
* Nhưng liệu có hạn chế được việc lợi dụng trong giải quyết con nuôi nước ngoài không, thưa ông?
- Khi về bên nước ngoài, trách nhiệm của bố mẹ và trách nhiệm của tổ chức giúp bố mẹ làm thủ tục nhận con nuôi Việt Nam phải báo cáo về Cục trong 3 năm, mỗi năm 2 lần để xem cháu bé phát triển như thế nào. Qua theo dõi báo cáo, hầu như thời gian đầu chỉ có trẻ lớn khó hòa nhập hơn một chút so với trẻ nhỏ. Hơn nữa, khi về bên kia, đứa trẻ trở thành con của người ta rồi, thành công dân của nước người ta rồi. Cả hệ thống bảo vệ quyền trẻ em ở trong nước không đơn giản để cho ai lạm dụng. Việc lợi dụng nhận trẻ em làm con nuôi để lấy lục phủ ngũ tạng ghép cho người này, người kia đến nay vẫn chỉ là nghi ngại. Một bác sĩ có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp làm sao có thể lấy một phần cơ thể của đứa bé được nhận làm con nuôi để ghép cho đứa trẻ con đẻ của gia đình người nước ngoài.
Tuy nhiên, việc lợi dụng cho làm con nuôi để lấy tiền bạc thì có. Trước đây, các tổ chức con nuôi nước ngoài bắt tay với các giám đốc cơ sở nuôi dưỡng. Luật bây giờ khó đấy, hỗ trợ nhân đạo ở đâu thì không giới thiệu trẻ em ở đó.
Làm báo cáo không tốt, hãy xếp hàng chờ!
* Nhưng một số địa phương cho rằng họ vẫn có quyền giới thiệu?
- Đúng là vẫn có các địa phương muốn làm theo quy trình cũ nhưng Luật đã tách bạch câu chuyện hỗ trợ nhân đạo và câu chuyện giải quyết con nuôi. Luật chỉ nói một câu ngắn gọn, còn Nghị định sẽ nói rất rõ: cơ sở nào, địa phương nào nhận hỗ trợ nhân đạo của tổ chức con nuôi nước ngoài nào thì không được giới thiệu con nuôi cho tổ chức con nuôi đó. Ngược lại, tổ chức con nuôi nước ngoài nào hỗ trợ nhân đạo cho cơ sở nuôi dưỡng nào, địa phương nào thì không được yêu cầu giới thiệu trẻ tại đấy.
Nói chung, chúng tôi cố gắng bịt những khe hở của những quy định hiện hành, tránh những trường hợp đáng tiếc như ở Nam Định. Đó là ví dụ về sự lợi dụng, con người ta có mẹ hẳn hoi nhưng lại xí xóa đi làm thành trẻ bị bỏ rơi để có toàn quyền cho ai thì cho. Có câu chuyện tiền bạc ở trong đó.
* Được biết, việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ đi làm con nuôi nước ngoài chỉ trong 3 năm. So với quy định hiện hành là đến khi trẻ 18 tuổi. Tại sao lại rút ngắn nhiều vậy, thưa ông?
- Theo dõi tình hình của con nuôi nước ngoài ngày trước quy định như vậy là rất dài, thực tế không khả thi. Luật này quy định cả trong và ngoài nước đều là 3 năm và sẽ khả thi vì có 2 người có trách nhiệm báo cáo. Một là bố mẹ nuôi, hai là các tổ chức con nuôi nước ngoài. Việt Nam không làm việc trực tiếp với bố mẹ nuôi mà thông qua 28 tổ chức con nuôi nước ngoài do Bộ Tư pháp cấp phép. Các tổ chức phải có trách nhiệm nhắc nhở bố mẹ nuôi, có trách nhiệm gửi báo cáo tổng thể suốt một năm. Nếu làm tốt thì sang năm mới tiếp tục giải quyết, bằng không cứ xếp hàng chờ!
* Xin cảm ơn ông!
Cẩm Vân (thực hiện)