Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và Đại hội thi đua ngành Tư pháp lần thứ III, Học viện Tư pháp đã đề ra các biện pháp thực hiện nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng đào tạo, cụ thể là đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy; biên soạn, sửa đổi giáo trình tài liệu; đổi mới phương pháp đào tạo.
Trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động thực hành nghề cho học viên. Lãnh đạo Học viện Tư pháp đã giao cho Trung tâm thực hành nghề luật làm đầu mối tổ chức chương trình “Ngày diễn án chung Thẩm phán, Luật sư lần thứ I năm 2010”. Đây là một trong những hoạt động thực hành ngoại khóa bổ ích nhằm tạo điều kiện cho học viên đang theo học các lớp đào tạo nghiệp vụ tại Học viện Tư pháp có cơ hội giao lưu, học hỏi, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. Thông qua việc tổ chức diễn án chung, Học viện Tư pháp muốn khẳng định tính đặc thù và sự khác biệt khi đào tạo chung các chức danh tư pháp trong một cơ sở đào tạo. Khác với hoạt động thực hành riêng từng chức danh, việc thực hành diễn án chung giữa nhiều chức danh tư pháp tạo ra sự thi đua hứng thú cho học viên, kích thích tính nghề nghiệp riêng của mỗi chức danh để mỗi học viên nhiệt tình hơn, hăng say hơn, quyết tâm thể hiện một cách tốt nhất các kỹ năng nghề nghiệp của chức danh mình đang theo học. Từ đó làm cho hoạt động diễn án chung đạt được hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp.
Ngày 15/4/2010, tại Học viện Tư pháp, “Ngày diễn án chung Thẩm phán, Luật sư lần thứ I năm 2010” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Cùng đến tham dự phiên tòa diễn án của các học viên có ông Từ Văn Nhũ - Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Văn Quyến - Phó chánh văn phòng Hội Luật gia VN; ông Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên thường vụ Liên Đoàn luật sư Việt Nam; ông Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Phía Học viện Tư pháp có Ban Giám đốc Học viện cùng các giảng viên và học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử và nghiệp vụ luật sư.
Ông Nguyễn Văn Chiến, với kinh nghiệm lâu năm là Luật sư và giảng dạy nghiệp vụ Luật sư đã có những nhận xét bổ ích về phiên tòa diễn án chung. Theo ông, thông qua phiên tòa diễn án này, các học viên được phân công diễn án đã phát huy hết khả năng của mình, vận dụng rất tốt các kỹ năng nghề nghiệp đã được học để giúp các học viên khác học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm để củng cố và nâng cao kiến thức nghề nghiệp cho mình. Phiên tòa đã được tổ chức rất tốt ở mọi trình tự thủ tục của một phiên tòa. Ngoại trừ phần xét hỏi chưa tạo được kịch tính như trong thực tế thì phiên diễn án chung đã diễn ra rất thành công.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa Đào tạo Thẩm phán, một giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác xét xử đã chia sẻ, không dễ dàng để tạo được kịch tính trong một phiên tòa diễn án. Khi xét hỏi tại một phiên tòa thực tế, chủ tọa sẽ phát triển phần xét hỏi theo các tình tiết nảy sinh, theo các câu trả lời của bị cáo và của những người tham gia phiên tòa. Còn trong phiên tòa diễn án, dù có sáng tạo nhưng các học viên vẫn phải diễn bám theo một kịch bản đã có sẵn nên phiên tòa diễn án không thể diễn ra một cách sinh động như trong thực tế. Theo bà, với mục đích là tổ chức một buổi học thực tế cho học viên thì phiên tòa diễn án đã đạt được mong muốn của những người tổ chức.
TS. Phan Chí Hiếu - Q. Giám đốc Học viện Tư pháp, thay mặt lãnh đạo Học viện Tư pháp chia sẻ cảm tưởng vui mừng khi chứng kiến phiên tòa diễn án chung đã thành công. Ông thực sự mong muốn trong thời gian tới, khi thực hiện chương trình đào tạo chung các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp sẽ tổ chức thành công nhiều hơn nữa những phiên tòa diễn án chung để tạo hứng thú cho các học viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện.
Thanh Hương