Đó là một trong nhiều nội dùng quan trọng của hội thảo lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp miền Bắc góp ý vào Dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Bộ Tư pháp phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Dự án STAR (USAID) và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp tổ chức ngày 9/8/2007 tại Hà Nội.
Sự cần thiết ban hành Nghị định
Trước thực trạng về sự am hiểu pháp luật trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là rất yếu, nên đa số các ý kiến của cộng doanh nghiệp trên cả nước đều nhất trí với việc cần sớm ban hành Nghị định để hướng dẫn về vấn đề này, việc Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo là hợp lý. Nhưng, Nghị định cần đưa vào những nội dung gì để có thể đi vào cuộc sống một cách thiết thực thì đó còn là một câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà làm luật Việt Nam nói chung và Ban soạn thảo Nghị định nói riêng.
Ông Vũ Xuân Tiền, Giám đốc Công ty tư vấn VFAM Việt Nam: Nghị định còn quá chung chung, mang nặng tính “định hướng” và “nguyên lý”. Vì vậy, sẽ rất khó cho việc triển khai, tổng kết, đánh giá. Sau Nghị định này, có cần phải ban hành một Thông tư hướng dẫn không? Hiện nay ở nước ta, tình trạng thiếu thông tư hướng dẫn và “vận dụng sáng tạo” trong các Thông tư hướng dẫn nhằm hạn chế quyền kinh doanh của các DN và công dân làm cho Luật, Nghị định đã ban hành trở thành “văn bản treo” đang xẩy ra khá phổ biến. Đề nghị Bộ Tư pháp đi tiên phong trong việc soạn thảo một Nghị định của Chính phủ mà không cần có Thông tư hướng dẫn và thực hiện ngay đối với Nghị định này. Điều đó có nghĩa là cần quy định một cách cụ thể hơn, chi tiết hơn để bao hàm đúng với ý nghĩa hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Nếu Nghị định có hiệu lực thi hành thì đây là lần đầu tiên hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được hợp pháp hóa trong một văn bản pháp luật ở tầm Nghị định, nó đã bao quát được các vấn đề cơ bản và bước đầu đảm bảo được mục tiêu nâng cao năng lực thực hiện pháp luật của doanh nghiệp.
LS. Trương Thanh Đức, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần hàng hải Việt Nam - Maritime Bank.
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: người cho thấy khó, kẻ nhận cũng buồn. Theo ông bên hỗ trợ (người cho) là các cơ quan Nhà nước, còn bên nhận sự hỗ trợ (kẻ nhận) là các doanh nghiệp, tuy nhiên, người cho vẫn thấy khó khăn trong việc “giải đáp”, trong khi kẻ nhận vẫn chưa cảm thấy cái “được” pháp lý trong Dự thảo.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ những gì, hỗ trợ như thế nào và trách nhiệm của các cơ quản quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ thực hiện pháp luật.
Từ Điều 5 đến Điều 9 Dự thảo Nghị định đưa ra các trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, đồng thời là 5 hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong những công việc trên, điều khó nhất đối với các cơ quan Nhà nước đồng thời cũng là nỗi bức xúc nhất đối với doanh nghiệp là “giải đáp thắc mắc”, nhưng như thế nào là “giải đáp thắc mắc” thì Nghị định chưa gải thích rõ, bởi vì những thắc mắc, trăn trở mà doanh nghiệp cần hỗ trợ, giải đáp là rất nhiều, nên cần đưa vào Nghị định một điều riêng về việc giải thích từ ngữ để tránh hiểu nhầm.
Theo ông Đức, quy định “Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc hiểu không rõ hoặc hiểu không thống nhất về nội dung các quy định pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý” và “Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về các vụ việc cụ thể” tại Điều 8 là không hợp lý. Giải đáp thắc mắc về các vụ việc cụ thể mới là điều các doanh nghiệp cần và mới thực sự có ý nghĩa, tác dụng. Nếu chỉ giải đáp thắc mắc nói chung, thì cần phải thể hiện bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật (giống như Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật, pháp lệnh). Thậm chí nhiều trường hợp, thông tư hướng dẫn cũng phải kèm theo các ví dụ cụ thể thì mới dễ hiểu. Trên thực tế, nhiều bộ, ngành vẫn đang giải đáp các vụ việc cụ thể cho các doanh nghiệp (như Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,…). Nếu quy định “các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về các vụ việc cụ thể”, thì mục tiêu nhằm hỗ trợ tốt hơn thành ra lại hạn chế hơn những hoạt động đã diễn ra trên thực tế.
Đây chỉ là những quy định “hỗ trợ” chính các bộ, ngành để có thêm cơ sở pháp lý đưa pháp luật vào thực tế. Vậy, nếu các cơ quan Nhà nước không làm tròn bổn phận hỗ trợ doanh nghiệp thì trách nhiệm của họ như thế nào hay họ cũng “vô can”.
Luật sư Đào Nguyên Khải, Phó trưởng văn phòng Luật sư Đào và Đồng nghiệp:
Nên chăng, nhà nước cần tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách:
Tổ chức tuyên truyền cho doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc vận dụng những quy định của pháp luật, những thông lệ thương mại vào thực tế kinh doanh. Trong quá trình tuyên truyền, cần nhấn mạnh tới những rủi ro pháp lý, hậu quả pháp lý mà doanh nghiệp có thể phải gánh chịu do chưa coi trọng tới việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh.
Tổ chức một cổng thông tin chứa đựng đầy đủ các văn bản pháp luật về kinh doanh do các cơ quan từ trung ương tới địa phương ban hành để doanh nghiệp có thể tìm kiếm và đọc các quy định của pháp luật có liên quan tới vấn đề họ đang tìm hiểu. Và cổng thông tin này phải được coi là nguồn văn bản pháp luật hợp pháp để khi giải quyết tranh chấp, các tổ chức, cá nhân dùng để tham chiếu.
Ở một số địa phương có khó khăn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì nên thành lập các Trung tâm truy xuất dữ liệu miễn phí, tại đó trang bị máy vi tính, đường truyền ADSL cho các doanh nghiệp có nhu cầu tới tìm hiểu, tra cứu văn bản pháp luật.
Mở rộng chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với các Trung tâm Trợ giúp pháp lý của nhà nước ở các tỉnh và tiến tới xã hội hoá công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong tương lai.
Còn rất nhiều ý kiến đánh giá cái được và chưa được của Nghị định. Nhưng qua những hội nghị này, Ban soạn thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến thiết thực, bổ ích từ phía cộng đồng doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình Chính phủ. Hy vọng đây là một bước đột phá trong lộ trình cải cách hành chính của Chính phủ, từ chỗ coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý nay họ được xem là đối tượng được phục vụ thông qua việc ban hành những văn bản như Nghị định này.
Nguyễn Xuân Công