Hướng dẫn Luật Lý lịch tư pháp: Thêm thiết chế bảo vệ quyền công dân

26/02/2010
Ngày 25/02, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng - Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Hội đồng thẩm định đã thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP).
 

Trung tâm LLTP quốc gia - đơn vị thuộc Bộ

Theo Vụ Hành chính tư pháp (được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định), Điều 4 dự thảo Nghị định xác định vị trí của Trung tâm LLTP quốc gia là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về LLTP, thực hiện quản lý chuyên ngành về LLTP cũng như xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong phạm vi cả nước.

Đa số thành viên Hội đồng thẩm định tán thành quy định trên của dự thảo nhưng có ý kiến băn khoăn, với vị trí như vậy thì có phải Trung tâm tương đương với Cục? Trong khi đó, theo Nghị định 178 của Chính phủ, chỉ Tổng cục là có cơ quan tương đương, các đơn vị khác đã được “ấn” rõ tên gồm Văn phòng, Cục, Vụ, Viện, Thanh tra. Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Đặng Thanh Sơn cho rằng, phải quy định Trung tâm là đơn vị thuộc Bộ mới bảo đảm tính liên thông giữa quản lý và hoạt động của Trung tâm, mối quan hệ giữa Trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng… Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, Trung tâm sẽ vừa quản lý nhà nước, vừa hoạt động nghiệp vụ nên tính chất của nó sẽ giống một Cục và đây có thể nói là một thiết chế mới để bảo đảm quyền cơ bản của công dân - quyền về nhân thân.

Cũng theo dự thảo Nghị định, tại các địa phương, Sở Tư pháp sẽ là cơ quan giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về LLTP. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập tổ chức giúp Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu LLTP.

Nên hay không xác minh thêm về điều kiện xoá án tích?

Điều 13 dự thảo Nghị định đề cập đến việc xác minh thêm về điều kiện đương nhiên được xoá án tích. Cụ thể, trong quá trình cập nhật thông tin LLTP, nếu thấy người có án tích đã có đủ điều kiện về thời gian để được đương nhiên xoá án tích, cơ quan quản lý LLTP tiến hành xác minh thêm về việc người đó có phạm tội mới hay không trong thời hạn quy định của Bộ luật Hình sự về đương nhiên được xoá án tích đối với tội phạm và hình phạt đó.

Các thành viên Hội đồng nhất trí với sự cần thiết phải có quy định về xác minh thêm điều kiện đương nhiên được xoá án tích. Tuy nhiên, thành viên đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) và Văn phòng Chủ tịch nước kiến nghị, không phải lúc nào cũng cần xác minh thêm mà nên giới hạn lại trong một số trường hợp cụ thể. Bà Đặng Thị Thu Hà (Viện Khoa học kiểm sát, VKSNDTC) cho rằng, khi đã quy định về xác minh thêm điều kiện đương nhiên được xoá án tích thì cũng phải quy định về trách nhiệm phối hợp giữa UBND cấp xã và Công an cấp huyện trong khi dự thảo Nghị định lại chưa làm rõ.

Thục Quyên