Tiếp tục Hội nghị chuyên đề về công tác thi hành án dân sự (THADS), sáng qua (13/01), lãnh đạo các Cục THADS địa phương đã cùng nhau trao đổi, thảo luận rất nhiều vấn đề nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ của ngành trong năm 2010.
Phải xác định được nguyên nhân gây tồn án
Cục trưởng Cục THADS Quảng Bình Phạm Văn Lãnh cho biết, mặc dù năm vừa qua đã giảm được khá nhiều án tồn đọng nhưng tới đây vẫn còn rất nhiều vụ án được xếp vào án không có điều kiện thi hành. Đặc biệt là những vụ mà đối tượng phải THA là các cơ quan nhà nước nhưng lại không có ngân sách để thi hành. Bên cạnh đó là do Toà tuyên sai với thực tế khiến nhiều vụ việc không thể thi hành.
Đồng tình với ông Lãnh, Cục trưởng Cục THADS Lạng Sơn Đỗ Xuân Hợi khẳng định, án tồn của tỉnh này cũng phần lớn bắt nguồn từ tiền của ngân sách nhà nước. Ông Hợi nhấn mạnh, đối với án tồn đọng, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân là do đâu để tiến hành phân loại án, thậm chí quy trách nhiệm cho các Chi cục trưởng, Phó chi cục trưởng. “Ở địa phương, khi Trưởng Ban chỉ đạo THA kết luận, lúc đó đã có mặt đại diện của Khối Nội chính thì nên chăng Tổng cục xem xét để thống nhất giúp cho việc giải quyết các vụ án phức tạp, kéo dài được thông suốt hơn”, ông Hợi kiến nghị.
Cục trưởng Cục THADS Hải Phòng Phạm Ngọc Nghinh đề xuất, Nhà nước khoanh nợ cho THA, tương tự như việc khoanh nợ cho các ngân hàng. Ông Nghinh cho biết, án tồn của Hải Phòng chủ yếu do 3 nguyên nhân là đương sự không có điều kiện thi hành, cán bộ đi xác minh thì không có địa chỉ, thuộc diện được miễn THA nhưng tòa án không chấp nhận.
Còn theo Cục trưởng Cục THADS Hoà Bình Hồ Ngọc Dinh thì muốn giảm án tồn đọng, các cơ quan THA phải mềm dẻo nhưng cương quyết và nếu có thể nên khuyến khích sự tham gia của luật sư. Kinh nghiệm của Hoà Bình trong giảm án tồn là không chờ đợi giải quyết xong khiếu nại tố cáo mà vừa giải quyết khiếu nại tố cáo vừa tiến hành cưỡng chế THA. “Không ít vụ việc tồn đọng ở Hòa Bình mà chúng tôi cương quyết thi hành để tới lúc thi hành xong thì đương sự bảo rằng chỉ vì “của đau con xót” nên mới khiếu kiện thôi”, ông Dinh tâm sự.
Vị thế mới không có nghĩa là hết khó khăn
Phấn khởi về vị thế mới của các cơ quan THADS nhưng lãnh đạo các địa phương vẫn ít nhiều tâm tư. Theo ông Dinh, Hoà Bình có tới 70% là người dân tộc nên tài sản kê biên, cưỡng chế mang ra đấu giá dù đã hạ giá nhiều lần, thậm chí chỉ còn 1/3 giá trị mà vẫn không bán được bởi dân biết là tài sản đó là của nhà ai. Trong khi kho vật chứng mới được Bộ đầu tư cho 3/12 đơn vị thì nhiều tài sản lớn không có chỗ bảo quản. Ông Dinh cũng mong muốn sớm được trang bị một số công cụ hỗ trợ như súng bắn hơi cay, roi điện… theo quy định của Luật THADS. Hay như tại Quảng Bình, ông Lãnh cho biết, các Chấp hành viên đang rất cần được nghiên cứu, tập huấn chuyên sâu bởi Luật có quá nhiều chế định mới, quy định mới. Ông Hợi nhận định, Nghị quyết 24 về giảm án tồn đọng đã được Quốc hội ban hành vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng nên sớm ra Thông tư liên tịch để thống nhất được cơ chế phối hợp liên ngành “nếu không án tồn của địa phương càng khó giải quyết”. Ông Nghinh kiến nghị với lãnh đạo Tổng cục THADS nhanh chóng có hướng dẫn về công tác tổ chức, cán bộ từ khâu quy hoạch đến tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển… Đồng thời, sau tập huấn về công tác cán bộ, phải tập huấn ngay về Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước để phòng ngừa chung.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, vị thế các cơ quan THADS được nâng lên chính là sự san sẻ, ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với công việc đầy phức tạp, khó khăn của ngành. Thứ trưởng yêu cầu, trong niềm phấn khởi, tự hào, phải nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân và sẵn sàng đối mặt với những thách thức. Về phương hướng nhiệm vụ năm 2010, Thứ trưởng cho rằng, vấn đề hàng đầu là kiện toàn tổ chức từ Tổng cục đến các Cục và các Chi cục.
Thục Quyên