Có hay không văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp? Văn hóa pháp luật được nhìn nhận như thế nào trong dòng chảy lịch sử từ quá khứ, hiện tại đến tương lai? Sáng qua - ngày 15/11, chương trình tọa đàm “Văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp” do Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp chủ trì với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia pháp lý tên tuổi đã phần nào làm sáng tỏ được những câu hỏi trên.
15 năm để xây dựng... một đạo luật
Nói về văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đăng Dung - ĐHQG Hà Nội đã đưa ra một dẫn chứng khá sốc. Đó là “so sánh nội dung của Luật Thanh niên vừa được Quốc hội thông qua với những bản dự thảo đầu tiên của luật này người ta có thể thấy thời gian dành cho việc soạn thảo dự luật này cho đến khi được Quốc hội thông qua đúng 15 năm” - theo ông Dung. Thế nhưng, không ít thanh niên Việt Nam không biết đến sự tồn tại của Luật Thanh niên vì sự ra đời của nó hầu như không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, ông Dung cho biết. Vậy, tại sao thời gian dành cho quy trình soạn thảo, xem xét, thông qua một dự án luật lại kéo dài đến như vậy. Xây dựng thì khó nhưng tại sao luật lại không có được “chỗ đứng” trong chính những đối tượng mà nó điều chỉnh. Phải chăng vấn đề mấu chốt ở đây chính là văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp?
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp, lập quy ở Việt Nam có thể được hiểu một cách cụ thể là các giá trị của các hoạt động này của Nhà nước, tức là những giá trị được hình thành trong quá trình xây dựng và ban hành các VBQPPL. Nếu so với trước đây, thì Luật Ban hành VBQPPL với chặng đường của mình đã đạt được thành công trong việc xác định thế nào là VBQPPL cũng như quy trình hình thành nên nó. Và, hệ thống VBQPPL là một trong những biểu hiện của văn hóa pháp luật. Nhưng, bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Đăng Dung vẫn còn những vấn đề cần phải nghiêm túc nhìn nhận.
Đó là, việc lãng phí thời gian trong hoạt động lập pháp không chỉ thể hiện ở việc thời gian soạn thảo dành cho một đạo luật kéo dài, mà còn là sự thiếu tính kịp thời để phản ứng nhanh nhạy với những đòi hỏi của thời cuộc. Nguyên nhân trước hết của tình trạng này đã được ông Dung chỉ ra chính là tính cứng nhắc của việc làm luật theo chương trình hàng năm hoặc theo từng nhiệm kỳ Quốc hội. Các dự án luật nằm chờ đến lượt mình trong một dãy dài danh sách các dự án được liệt kê trong chương trình lập pháp. Với quan niệm phải có đủ luật để điều chỉnh tất cả các mối quan hệ trong xã hội, chương trình lập pháp của chúng ta là sự “nhồi nhét” các dự án với những lập luận rất kêu về tính cần thiết phải được ban hành. Thế nhưng, chặng đường để đi từ những lập luận đó đến những nội dung cụ thể trong dự thảo còn rất dài và tiêu tốn nhiều thời gian...
Cách thức tổ chức và năng lực soạn thảo cũng là nguyên nhân làm cho thời gian soạn thảo đã dài lại càng dài hơn. Việc thiếu giai đoạn phân tích và quyết định rành mạch về chính sách cũng góp phần làm cho thủ tục xin ý kiến nhân dân về các dự án luật, vốn được coi là công đoạn hy vọng làm cho nội dung của các dự án luật trở nên gần gũi và dễ chấp nhận hơn đối với công chúng, trở nên hình thức và tốn kém. Đối với người dân - vốn đã ít quan tâm đến chuyện Nhà nước, nay lại bị buộc phải đọc tràng giang đại hải những quy phạm không có nội dung, chính sách rõ ràng quả là chuyện đánh đố - theo PGS.TS Nguyễn Đăng Dung
Kết quả âm của những phép cộng dương
Bàn về văn hóa pháp luật của cán bộ, công chức, TS. Hoàng Thị Ngân - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và công vụ - Văn phòng Chính phủ đã đưa ra một cách tiếp cận khá rõ ràng và cụ thể. Văn hóa pháp luật của cán bộ, công chức chính là trạng thái tốt của ý thức pháp luật. Từ cách hiểu này, có thể thấy văn hóa pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức được gắn chặt bởi hệ tư tưởng pháp luật, còn của cá nhân mỗi người lại bị chi phối bởi tâm lý pháp luật thể hiện ở dạng tình cảm, thái độ, phản ứng trực tiếp đối với pháp luật.... “Hiện nay, ý thức pháp luật của cán bộ công chức còn không ít hạn chế, vì thế, một số bộ phận công chức đã có sự sa sút, thoái hóa về đạo đức, thậm chí dẫn đến việc vi phạm pháp luật không những gây ra sự không hài lòng cho người dân mà còn dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện” - TS. Hoàng Thị Ngân đánh giá. Sở dĩ có tình trạng này một phần nguyên nhân là do hiện nay trong các trường chuyên nghiệp vấn đề giảng dạy đạo đức ít được chú trọng, ở khâu tuyển dụng các cơ quan tuyển dụng cũng chỉ đòi hỏi nhiều loại chứng chỉ mà bỏ qua việc xem xét đạo đức, ứng xử.
Muốn thay đổi được vấn đề, nâng cao văn hóa pháp luật của cán bộ, công chức, theo TS. Hoàng Thị Ngân, không thể chỉ được giải quyết qua một số biện pháp có tính chuyên biệt mà còn phải đặt trong tổng thể giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ. Cần thiết phải đưa được ra các chuẩn mực đạo đức công chức. Cùng với đó là việc đánh giá nghiêm túc kết quả làm việc và đạo đức công vụ của cán bộ công chức. Kiên quyết loại bỏ những công chức yếu kém (do năng lực hoặc do thái độ làm việc) ra khỏi hệ thống. Hiện nay, việc này đang không thể thực hiện được tại rất nhiều cơ quan Nhà nước và hầu hết cán bộ, công chức đều được đánh giá, phân loại tốt và hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng, phép cộng của những dấu dương này lại cho kết quả âm - đó là điều đáng lo ngại, TS Hoàng Thị Ngân nhấn mạnh.
Xuân Hoa
LS Trần Hữu Huỳnh – Trưởng Ban Pháp chế - VCCI: Chúng ta đã có Luật Doanh nghiệp nhưng nhiều khảo sát cho thấy, giới doanh nghiệp rất ít làm theo luật. Pháp lệnh An toàn vệ sinh an toàn thực phẩm của ta là VBQPPL đầu tiên về vấn đề này trong các nước Đông Nam Á, hiện nay đang được nâng lên thành luật, thế nhưng kết quả thực hiện ra sao thì mọi người đều biết. Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng vậy, thử hỏi đã mấy người tiêu dùng Việt Nam biết đến quyền được pháp luật bảo vệ của mình? Từ những vấn đề này có thể đặt ra câu hỏi phải chăng tính minh bạch, dân chủ, công khai trong xây dựng pháp luật chưa cao? Nếu ở một địa phương, việc xây dựng pháp luật không minh bạch, công khai thì sẽ chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người thay vì lợi ích của cả cộng đồng. |