Tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

01/12/2009
Tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành Tư pháp năm 2009, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm tại đây trong hai ngày 26 và 27/11/2009.

Các học viên tham dự lớp bồi dưỡng chủ yếu là các cán bộ làm công tác quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm của các Sở Tư pháp; các công chứng viên thuộc Phòng công chứng và Văn phòng công chứng; các cán bộ trực tiếp làm công tác đăng ký tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đến từ nhiều địa phương, từ Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Định, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nam đến Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hoá…ngoài ra còn có lãnh đạo và cán bộ thuộc các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và một số học viên khác đến từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Tư pháp, Tiến sĩ Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, trong đó cũng đã nêu bật vai trò, ý nghĩa của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm góp phần công khai hoá các giao dịch bảo đảm cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên có liên quan. Đăng ký giao dịch bảo đảm không chỉ giúp xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm mà còn có vai trò quan trọng trong việc lành mạnh hoá thị trường tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường này phát triển nhanh, ổn định, giảm thiểu rủi ro. Trong nội dung báo cáo dẫn đề, TS Vũ Đức Long cũng gợi mở một số vấn đề trao đổi, thảo luận liên quan đến các vướng mắc của cơ quan đăng ký, các tổ chức tín dụng trong quá trình áp dụng pháp luật hiện hành về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm.

Tại lớp tập huấn, Thạc sỹ Trần Đông Tùng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã giới thiệu cho các học viên về hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam và trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng các loại tài sản như động sản, tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, bài giảng còn làm rõ các quy định liên quan đến giá trị pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm, thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký, hướng dẫn kê khai đơn yêu cầu đăng ký trong một số trường hợp thực tế còn có nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện chưa đúng với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các nội dung về giao kết và thực hiện hợp đồng dân sự, hợp đồng tín dụng; các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ do Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày cũng đã cung cấp cho các học viên những kiến thức cơ bản, thiết yếu nhất của pháp luật về hợp đồng và pháp luật về giao dịch bảo đảm theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đại diện Vụ Bổ trợ tư pháp, ông Nguyễn Văn Vẻ cũng đã giới thiệu cho lớp tập huấn chuyên đề khái quát những vấn đề cơ bản của pháp luật về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất có liên quan đến lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của Luật Công chứng và một số văn bản pháp luật có liên quan. Ông Nguyễn Xuân Trọng - Tổng Cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu chuyên đề pháp luật về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Đây là những nội dung thu hút được sự quan tâm của các học viên, góp phần vào việc nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng của các cán bộ làm việc trực tiếp tại các Phòng Công chứng, Văn phòng công chứng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp.

 Mặt khác, việc trao đổi, thảo luận và giải đáp về những vướng mắc trong công tác thực tiễn của học viên cũng là một trong những hoạt động được đánh giá cao tại lớp tập huấn lần này. Trên cơ sở những kiến thức thu hoạch được thông qua phần giới thiệu của giảng viên, những vấn đề được làm rõ qua các buổi thảo luận đã góp phần thiết thực vào việc giải quyết những vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn của học viên. Điều này cũng cho thấy nhu cầu được bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm là khá lớn và cần được thực hiện thường xuyên trong những năm tiếp theo.

 Thu Thuỷ - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm