Trường Đại học Luật Hà Nội - 30 năm xây dựng và trưởng thành

10/11/2009
Trường Đại học Luật Hà Nội - 30 năm xây dựng và trưởng thành
Trường Đại học pháp lý Hà Nội, nay là trường Đại học Luật Hà Nội, được thành lập ngày 10/11/1979 trên cơ sở hợp nhất trường Cao đẳng Pháp lý Việt Nam và Khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hôm nay (10/11), các thế hệ giảng viên, sinh viên nhà trường đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập trường Đại học Luật Hà Nội.

Đến chúc mừng trường Đại học Luật Hà Nội nhân sự kiện này có sự tham dự của GS.TSKH - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương, các tổ chức đào tạo và nghiên cứu trong và ngoài nước tại Hà Nội, các trường đại học, cao đẳng ở trung ương, địa phương, các nhà giáo, nhà khoa học, đại diện các thế hệ sinh viên của trường. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự ra đời, quá trình xây dựng và trưởng thành không chỉ của trường Đại học Luật Hà Nội mà còn của công tác đào tạo cán bộ pháp luật của Việt Nam.

Tại Lễ Kỷ niệm, Lãnh đạo nhà trường đã báo cáo quá trình xây dựng, phát triển và những đóng góp của nhà trường, phát huy những ưu điểm, thành tựu đã đạt được, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục phấn đấu để xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường đại học trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật. Sau 30 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, trải qua bao thăng trầm, thử thách, trường Đại học Luật Hà Nội đã không ngừng vươn lên để khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá khoa học pháp lý. Ba mươi năm qua, các thế hệ thày trò đã không ngừng cố gắng phấn đấu vì học thuật, vì trách nhiệm lớn lao trước xã hội đó là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ pháp luật cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, những người cầm cân nẩy mực, góp phần phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần vào sự nghiệp cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quy mô, chất lượng đào tạo của trường không ngừng tăng lên, góp phần đáng kể vào việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. Hiện nay trường đã đào tạo được 16.984 học viên với 45 nghiên cứu sinh, 282 học viên cao học, hơn 6.100 sinh viên đại học hệ chính quy. Trường đã đào tạo cho đất nước hơn 78.000 cán bộ pháp luật, chiếm hơn 60% tổng số cán bộ pháp luật được đào tạo của cả nước. Bên cạnh đó, trường còn đào tạo hơn 200 cán bộ pháp luật cho các nước Trung Quốc, Lào, Cămpuchia,… và tiếp nhận sinh viên từ các nước Thụy Điển, Nhật Bản đến trường nghiên cứu học tập. Chương trình đào tạo không ngừng được đổi mới, theo hướng tăng cường khả năng nghiên cứu lí thuyết và trau dồi kỹ năng thực hành pháp luật cho học viên, sinh viên. Chương trình đào tạo sau đại học được thiết kế hiện đại, linh hoạt trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài và tiếp thu ý kiến phản hồi từ người học và các nhà tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực pháp luật.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trường đang đẩy mạnh việc chuyển đổi từ hệ thống đào tạo theo biên chế sang đào tạo theo tín chỉ. Trường là một trong số các cơ sở đào tạo sớm áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ và là cơ sở đào tạo sau đại học ngành Luật đầu tiên áp dụng hình thức đào tạo này.

Với những đóng góp tích cực trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của đất nước, trường Đại học Luật Hà Nội vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba, 3 Huân chương Lao động các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, trường vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong công tác đào tạo.

Tham dự Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập trường Đại học Luật Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Đảng và Nhà nước gửi lời chúc mừng, ghi nhận, tự hào và biểu dương thành tích của trường trong thời gian qua. Phó Chủ tịch cho rằng cùng với quá trình hội nhập việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lý luận nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều quan điểm khác nhau đòi hỏi đội ngũ tham mưu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu có chất lượng.

Phó Chủ tịch nhận định với việc gia nhập WTO, đất nước ta đã có uy tín trên trường quốc tế, nước ta đã làm bạn với khoảng hơn 200 đất nước và nền kinh tế trên thế giới nhưng chưa thật sự xâm nhập sâu rộng có chất lượng vào đời sống pháp luật quốc tế, do đó có nhiều vụ kiện mang tính chất quốc tế chúng ta giải quyết vẫn còn lúng túng. Phó Chủ tịch đã nhấn mạnh, trong những năm đổi mới vừa qua cùng với sự phát triển của nền kinh tế những tranh chấp cũng phát sinh trên mọi lĩnh vực, đòi hỏi nước ta cần có thêm nhiều cán bộ giỏi về chuyên môn, trong sáng về đạo đức, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, hòa nhập được với cộng đồng quốc tế.

Thay mặt Đảng và Nhà nước Phó Chủ tịch đã trao quà và 15 suất học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn phấn đấu học tập tốt. Đồng thời Phó Chủ tịch cũng nhắc nhở: Tài năng là sinh viên, bứt phá là sinh viên, sáng tạo là sinh viên và nguy cơ nhức nhối tiềm ẩn cũng là sinh viên, vì thế việc đào tạo sinh viên luật trở thành những cán bộ pháp lý giỏi là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.

Cục Công nghệ thông tin, ảnh Thái Nguyên 

Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Mục tiêu đặt ra đến năm 2015, trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng điểm quốc gia về chất lượng và quy mô đào tạo cán bộ về pháp luật, là trung tâm nghiên cứu khoa học cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng cao của cả nước, có cơ sở vật chất hiện đại, chiếm tỷ trọng lớn trong việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.