Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, ngày 28/10/2009, đại diện Bộ Tư pháp có PGS.TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Ths Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cùng đại diện các thành viên Tổ biên tập xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp đã có buổi làm việc tại Bộ Tài chính với đại diện Bộ Tài chính gồm có đ/c Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; đ/c Nguyễn Nhữ Thăng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cùng các chuyên gia của Bộ Tài chính để trao đổi và thống nhất các nội dung Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của 18 Bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính thống nhất Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp có mục tiêu là tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật phục vụ kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã thống nhất các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được phân thành 3 dự án sau đây:
Dự án 1: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
1. Điều tra, khảo sát thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
2. Xây dựng tiêu chí, yêu cầu đối với cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng quy trình chuẩn của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
3. Xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
4. Thực hiện thí điểm một số hoạt động tăng cường lực cho các cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số địa phương nhằm xây dựng mô hình hiệu quả áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Dự án 2: Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp
1. Điều tra, khảo sát, đánh giá hoạt động thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
2. Hỗ trợ phát triển một số trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức được cộng đồng doanh nghiệp sử dụng, bao gồm việc hình thành cổng thông tin chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
3. Hỗ trợ các chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên một số phương tiện phát thanh, truyền hình;
4. Tổ chức các hội thảo, diễn đàn, toạ đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật.
Dự án 3: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể
1. Điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động;
2. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp;
3. Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp;
4. Hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp (trong đó ưu tiên các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn).
Các bên cũng thống nhất phạm vi của Chương trình được triển khai trong toàn quốc, có tập trung triển khai điểm tại 7 địa phương được lựa chọn là: Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Nội.
Chương trình được triển khai trong 3 năm (năm 2010 đến 2012) để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình và có định hướng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến năm 2015 để tạo sự bền vững, bảo đảm kết quả của Chương trình có tác động lâu dài.
Về việc tổ chức điều hành chương trình, đại diện Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính cũng thống nhất việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình thay cho Ban Điều hành để đảm bảo việc tổ chức Chương trình được hiệu quả. Ban Chỉ đạo do Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Nội; Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình do Ngân sách nhà nước cấp và huy động sự đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức. Trong đó, ngân sách trung ương được bố trí để tập trung thực hiện các hoạt động chung của Chương trình và triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại 7 địa phương được lựa chọn điểm.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình từ năm 2010-2012 dự tính khoảng: 250 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí ngân sách trung ương cấp từ kinh phí thường xuyên của các Bộ, ngành tham gia Chương trình (nếu có), kinh phí bổ sung từ ngân sách nhà nước: 200 tỷ đồng; đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia Chương trình: 50 tỷ đồng.
Theo ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, dự báo Chương trình khi được triển khai sẽ có tác động mạnh mẽ đối với kinh tế, xã hội. Cụ thể như sau:
- Nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người quản lý doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật; qua đó góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp, tăng cưòng môi trường pháp luật thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thức đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
- Xây dựng ý thức chủ động tìm hiểu, áp dụng pháp luật để phòng tránh rủi ro pháp luật trong kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay và trong thời gian tới.
- Góp phần hạn chế tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Thông qua việc xây dựng và triển khai các hoạt động thông tin pháp luật cho doanh nghiệp sẽ xoá bỏ tình trạng doanh nghiệp khó hoặc không tiếp cận được với thông tin pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước.
- Thông qua hoạt động tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các hình thức, nội dung quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Thông qua thực hiện chương trình sẽ tạo tiền đề thực hiện xã hội hoá các công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giúp các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thể thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
- Làm tốt công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp, tạo điều kiện doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật kết hợp phát huy trách nhiệm và ý thức của doanh nghiệp trong việc tổng hợp, kiến nghị về hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính thống nhất hoàn thiện nội dung Chương trình và trình Lãnh đạo 2 Cơ quan để ký trình Thủ tướng Chính phủ trong cuối tháng 10, đầu tháng 11/2009.
Sơn Trần