Hôm qua (02/11), tại TP.Huế, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Quốc tịch năm 2008 và Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Tham dự hội nghị có đại diện Sở Tư pháp, Công an, Ngoại vụ và nhiều Sở, ngành liên quan của 18 tỉnh thành ở các địa phương miền Trung từ Thanh Hoá đến Lâm Đồng và hai tỉnh biên giới phía bắc giáp với nước bạn Lào là Điện Biên và Sơn La.
Quốc tịch khiến cá nhân và Nhà nước gắn bó mật thiết
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: “Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam”.
So với Luật năm 1998, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 có những nội dung mới như: người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày luật có hiệu lực, phải đăng kí với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam. Luật cũng quy định “Người không có quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định”…Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã quy định cụ thể, tuy nhiên, Luật chưa quy định chi tiết tất cả các vấn đề về hồ sơ, trình tự thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, vấn đề hai quốc tịch, đăng kí giữ quốc tịch,.... Vì vậy, ngày 22/9/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Quang Tám