Tại cuộc tọa đàm hai ngày góp ý cho Dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm (GDBĐ) do Bộ Tư pháp và Jica phối hợp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định cần được xây dựng theo hướng đột phá nhằm đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính.
Theo Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ Vũ Đức Long, văn bản quy phạm pháp luật quy định chung về trình tự, thủ tục đăng ký GDBĐ là Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 (viết tắt là NĐ08). Tuy nhiên, NĐ08 đang bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến phạm vi áp dụng và đối tượng đăng ký, nguyên tắc đăng ký, cơ quan đăng ký, hiệu lực của việc đăng ký, thời điểm đăng ký… Đồng thời NĐ08 cũng chưa điều chỉnh việc đăng ký GDBĐ đối với một số trường hợp đặc biệt như một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, tài sản bổ sung là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh… hay chưa quy định thủ tục đăng ký trực tuyến… Vì vậy, ông Long nhấn mạnh, trước mắt cần tập trung soạn thảo Nghị định thay thế NĐ08 để trong tương lai không xa tiến tới xây dựng Luật Đăng ký GDBĐ.
Trình bày một số nội dung chủ yếu của Dự thảo Nghị định, Phó Cục trưởng Trần Đông Tùng cho biết, hiện Cục đồng thời soạn thảo Nghị định theo 2 phương án khác nhau do có 2 quan điểm khác nhau về phạm vi điều chỉnh. Phương án 1 là phương án xây dựng nghị định chung, thống nhất quy định chi tiết việc đăng ký GDBĐ đối với tất cả các loại tài sản. Bằng phương án này, nghị định sẽ thu hút tất cả các quy định về trình tự, thủ tục đăng ký GDBĐ trong các văn bản pháp luật hiện hành ở tầm Nghị định thông qua thiết kế quy định thủ tục đăng ký riêng đối với GDBĐ bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác. Còn theo phương án 2, nghị định được soạn thảo thành nghị định khung. Nghĩa là, chỉ quy định chung về trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin đối với tất cả các loại GDBĐ nói chung.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ủng hộ phương án xây dựng Nghị định khung để tránh phá vỡ các văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, đại diện Cục Hàng không Việt Nam nói thêm, nếu ban soạn thảo “quyết” sẽ theo phương án 1 thì phải ghi rõ là chỉ những quy định liên quan đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay là bị bãi bỏ thôi. Đồng thời nên có quy định về đăng ký động cơ tàu bay vì vấn đề này hiện chưa được văn bản nào điều chỉnh.
Ông Long nhận định, xây dựng theo phương án 2 thì sẽ dễ dàng hơn nhưng đó là phương án nửa vời. Nhưng phương án 1 sẽ đụng chạm nhiều đến các quy định tại các nghị định khác đang còn hiệu lực thi hành. Đồng tình với ông Long, đại diện Ngân hàng Bảo Việt cho rằng, phương án 1 sẽ khó cho cơ quan soạn thảo song lại vô cùng tiện lợi cho người dân, cho các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, phương án 1 mới là phương án “cách mạng nhất, triệt để nhất” nhưng trong giai đoạn hiện nay quả thực là rất khó thống nhất nếu các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tư tưởng cát cứ, phân quyền. Đại diện Tổ Công tác Đề án 30 của Bộ Tư pháp nhấn mạnh, phương án 1 chính là bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triệt để dùng kỹ thuật 1 văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhiều văn bản. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định cần xây dựng kèm theo các phụ lục quy định số lượng hồ sơ, giấy tờ, bản sao, hợp đồng, đơn đăng ký, thời gian thực hiện…
Theo ông Ito (chuyên gia Dự án Jica), Việt Nam nên chọn phương án nào có nhiều ưu điểm hơn cả. Ông Ito phân tích, phương án 1 thì sẽ thống nhất, chỉ cần nhìn vào 1 văn bản sẽ thấy được hết các quy định pháp luật. Mặt khác, nó đem lại sự thuận lợi đối với người dân, còn việc không đạt được sự đồng thuận cao của một số bộ, ngành quản lý không phải là nhược điểm của phương án này. Phương án 1 chỉ là sự thống nhất về mặt thủ tục, tham chiếu các quy định, bởi đầu mối quản lý, đăng ký vẫn là các cơ quan khác nhau. “Về mặt kỹ thuật mà làm được thì nên theo phương án 1, nhất là trong thời kỳ quá độ hiện nay. Về lâu dài, Việt Nam nên theo đuổi Luật Đăng ký GDBĐ hoặc Luật Đăng ký bất động sản”, ông Ito gợi ý.
Hoàng Thư