Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống COVID-19, thực hiện thành công chương trình phòng chống COVID-19 năm 2022-2023, góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 5/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra tổn thất nặng nề về tính mạng, sức khỏe của người dân trên toàn thế giới và ở nước ta.
“Cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ, tạo ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế, đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ngành y tế đã trụ vững, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước kiểm soát dịch bệnh cùng với cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ”, Bộ trưởng chia sẻ.
Nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ đã được triển khai như giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả, thích ứng với từng giai đoạn.
Trong năm 2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử nước ta đã được triển khai thành công với hơn 155 triệu liều vaccine được tiêm chủng; tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 99,7% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 91,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Bộ trưởng cho biết, từ nước tiếp cận vaccine chậm nhưng tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong đợt dịch thứ 4, ngành y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế, giảng viên và sinh viên các trường y dược tham gia phòng, chống dịch và hiện nay vẫn có hàng ngàn cán bộ của các bệnh viện thuộc Bộ đang tiếp tục trực chiến trong các tâm dịch ở khu vực phía nam.
Bên cạnh công tác phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế cơ bản hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về y tế và dân số; hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở đang từng bước được củng cố, phát triển; tiếp tục mở rộng khám, chữa bệnh từ xa, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; từng bước đổi mới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế và tiếp tục hoàn thành các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhìn nhận năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng còn hạn chế. Các chế độ chính sách chưa phù hợp; đời sống cán bộ y tế có nhiều khó khăn; chưa kịp thời và chưa đủ thời gian điều chỉnh các quy định của pháp luật cần thiết có liên quan trong bối cảnh dịch bệnh; những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành.
Nhận định trong thời gian tới, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, Bộ trưởng cho rằng những thực tế đó sẽ tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Ngành y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
“Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 năm 2022-2023, góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội”, Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi) và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.
Tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy y tế nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn; đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực y tế; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước trong các hoạt động của ngành.
Trong khuôn khổ Hội nghị, người đứng đầu ngành y tế cũng chia sẻ: “Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng nhưng không là hình ảnh đại diện của ngành y tế, không thể làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành y tế trong cuộc chiến chống COVID-19".
“Trong những thời khắc thật sự khó khăn vừa qua, sự sẻ chia, ủng hộ của các Đảng, Nhà nước và nhân dân đã là nguồn động viên to lớn đối với toàn thể ngành y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch để tiếp tục cuộc chiến đầy cam go, thách thức trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Mai Ngọc
baochinhphu.vn