Nhấn mạnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ tinh thần phục hồi nhanh nhưng cần đặc biệt chú trọng kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát. “Chúng ta không được chủ quan. Phục hồi kinh tế nhanh nhưng đi song song với đó là phải kiên quyết giữ được địa bàn sạch”.
Sáng 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với tỉnh Bắc Giang và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế-xã hội; thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; lưu thông hàng hóa và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Toàn bộ doanh nghiệp đã trở lại hoạt động
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, kinh tế-xã hội của tỉnh đã hồi phục đạt mức độ tương đương và cao hơn trước thời điểm dịch bùng phát. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay đạt 5,5%; thu ngân sách tăng hơn 48% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, thu hút FDI đứng thứ 9 cả nước.
Đến nay, toàn bộ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Trong 6 khu công nghiệp đã có 385 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 192.000 lao động (tăng 23 doanh nghiệp và trên 41.000 lao động so với thời điểm trước khi bùng phát dịch COVD-19); 221 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp hoạt động trở lại với hơn 48.000 lao động, đạt tỷ lệ 98% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19; đặc biệt, các doanh nghiệp quy mô lớn phục hồi sản xuất nhanh, đã sử dụng lao động ở mức tương đương, thậm chí nhiều hơn lao động so thời điểm trước dịch.
Một số doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp đều tăng ca tất cả các ngày trong tuần để bù lại các đơn hàng bị chậm do ảnh hưởng của dịch. Với chủ trương thu hút lao động quay trở lại làm việc, nhiều giải pháp đã và đang được doanh nghiệp áp dụng hiệu quả, như hỗ trợ thu nhập từ 1-2 triệu đồng/người/tháng; lập đội xe đưa đón công nhân từ các tỉnh lân cận tới Bắc Giang làm việc… Mặc dù đã có sự phục hồi nhanh chóng nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn gặp nhiều khó khăn như: Chi phí vận chuyển tăng cao; giá một số nguyên vật liệu tăng, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng; nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư nhưng quỹ đất công nghiệp của tỉnh không còn. Quốc lộ 1A từ Bắc Giang đi Bắc Ninh thường xuyên bị ách tắc giao thông vào các giờ cao điểm (sáng, trưa, tối) tại nút thắt cầu Như Nguyệt, cầu Xương Giang
“Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm sớm hoàn tất thủ tục để trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho 3 khu công nghiệp thành lập mới và 2 khu công nghiệp mở rộng. Rất mong bộ cũng quan tâm đẩy nhanh tiến độ thẩm định sớm trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng phê duyệt mở thêm quỹ đất công nghiệp để Bắc Giang thu hút đầu tư”, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu.
Để giảm tải áp lực giao thông cho đường bộ; đồng thời, nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt, giảm thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, bổ sung ga liên vận quốc tế tại tỉnh Bắc Giang.
Góp ý cho tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, tỉnh cần sớm hoàn thiện kịch bản phục hồi kinh tế, trong đó, lấy phục hồi sản xuất công nghiệp là trọng tâm. Cần quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động như nhà ở công nhân, nhà trẻ, siêu thị…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, việc thường xảy ra ách tắc giao thông tại nút thắt cầu Như Nguyệt, cầu Xương Giang là điểm nghẽn đối với sự phát triển của tỉnh.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ tích cực chỉ đạo, đôn đốc, thúc đẩy việc nâng cấp Quốc lộ 31, cố gắng trong quý II/2022 sẽ khởi công. Về đề xuất làm ga liên vận, Bộ đã chỉ đạo Cục Đường sắt, Tổng công ty đường sắt phối hợp với Sở GTVT Bắc Giang vì “các đồng chí là người am hiểu nhất vùng hàng hóa của mình ở đâu, nếu liên vận thì ở chỗ nào. Hiện trên tuyến có một số ga, nếu cần thiết thì mình mở rộng ga đó”. Đặc biệt, địa phương cần điều chỉnh quy hoạch đất khu vực đó để xây dựng kho hàng hóa. “Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ tối đa”.
Coi doanh nghiệp là chủ thể của quá trình phục hồi kinh tế
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao tỉnh Bắc Giang thời gian qua vừa triển khai phòng, chống dịch tốt, với những giải pháp thích ứng với từng giai đoạn, vừa phát triển kinh tế. Tốc độ phục hồi sản xuất của tỉnh rất nhanh, Phó Thủ tướng lấy ví dụ, từ chỗ chỉ có 32% số công nhân làm việc, trong vòng 1 tháng đã đưa hơn 80% công nhân quay trở lại làm việc.
Đặc biệt hiện nay lượng công nhân quay lại làm việc cao hơn thời gian trước dịch. Qua đó tốc độ tăng trưởng kinh tế trở lại bình thường, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn, thu ngân sách tăng hơn 48%. Phòng chống dịch được Bắc Giang tiến hành bài bản, kịp thời, nhanh gọn, giảm thiểu thiệt hại do dịch. Bên cạnh đó, tỉnh đã làm tốt mô hình doanh nghiệp là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất, “từ khâu chuẩn bị vật tư, nguyên liệu, kế hoạch sản xuất… đều do doanh nghiệp. Còn chính quyền các cấp, hệ thống chính trị là trung tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Nhắc lại cuộc kiểm tra và làm việc với doanh nghiệp tại khu công nghiệp Quang Châu vào sáng nay, Phó Thủ tướng cho biết, “các đồng chí thấy, lãnh đạo doanh nghiệp nắm rất rõ phương án sản xuất, công nhân huy động như thế nào, hỗ trợ bao nhiêu, xét nghiệm ra làm sao… Các doanh nghiệp vào cuộc được, tích cực chuẩn bị phương án sản xuất còn chính quyền tập trung hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ thủ tục, y tế”.
Nhấn mạnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng nêu rõ tinh thần phục hồi nhanh nhưng cần đặc biệt chú trọng kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh. “Chúng ta không được chủ quan. Phục hồi kinh tế nhanh nhưng đi song song với đó là phải kiên quyết giữ được địa bàn sạch, không để hình thành các ổ dịch”.
Từ ảnh hưởng của dịch bệnh tới đời sống công nhân, Phó Thủ tướng lưu ý vấn đề chỗ ở cho người lao động. “Tôi đã kiểm tra tại Bình Dương, TPHCM, có nhà trọ diện tích chỉ 7-8 m2 mà có tới 5 người ở”, Phó Thủ tướng đề nghị Bắc Giang rà soát lại vấn đề nhà ở cho công nhân. Tới đây khi xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp mới, dứt khoát phải bố trí đất ở cho công nhân.
Giải quyết vướng mắc, kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần nỗ lực hơn nữa để sớm hoàn thành việc xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt. Các bộ cần "xắn tay" hỗ trợ tỉnh đối với dự án này.
Đề cập đến tình hình giá thịt lợn, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tổ chức cuộc làm việc với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn trên địa bàn để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt, chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi về thị trường, hình thành các điểm bán hàng bình ổn giá.
Đức Tuân
baochinhphu.vn