Chính phủ đã tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo trong phòng, chống dịch

21/10/2021
Chính phủ đã tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo trong phòng, chống dịch
Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành y tế, quân đội, công an… đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sáng 20/10, tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đã báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và nhận thấy nội dung báo cáo đã phản ánh tương đối đầy đủ, chân thực công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả

Bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, gây tổn hại đến sức khỏe và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội, dần đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.

Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành y tế, quân đội, công an, ngoại giao, các tình nguyện viên đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Về thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội thấy rằng, Chính phủ đã tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thông qua việc kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về một số nội dung khác luật hoặc luật chưa quy định hoặc vượt thẩm quyền.

Ngoài ra, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản (bao gồm các nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn...) để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết và trước hết; đặc biệt là Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 mới đây của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Ủy ban thấy rằng, công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Về công tác y tế

Trong thời gian qua, ngành y tế đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, trong đó đã xây dựng, ban hành các hướng dẫn chuyên môn để thực hiện có hiệu quả công tác truy vết, xét nghiệm, tổ chức công tác tiếp nhận và phân tầng điều trị, triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, tăng cường năng lực cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó đã điều trị thành công cho nhiều trường hợp mắc bệnh nặng. Cán bộ, nhân viên y tế không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy, luôn đi đầu trong phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo ngành y tế phối với các bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung cấp vaccine rất khan hiếm. Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này được đánh giá là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, theo đó, đã tiêm an toàn xấp xỉ 65 triệu liều vaccine, đạt tỉ lệ 63,6% số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine và 25,5% đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Một số địa phương chưa tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine cho người dân. Việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đáp ứng yêu cầu do nguồn vaccine còn hạn chế, tỉ lệ tiêm vaccine còn chưa đồng đều tại các địa phương trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn một số tỉnh chưa triển khai kịp thời, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm COVID-19, thu phí xét nghiệm cao, vẫn yêu cầu bắt buộc xét nghiệm khi đi khám chữa bệnh, gây bức xúc cho người dân.

Vẫn còn có tình trạng lây nhiễm chéo tại một số cơ sở cách ly tập trung, nhiều trường hợp cách ly y tế tại nhà không đáp ứng được yêu cầu theo hướng dẫn, gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Về bố trí nguồn lực

Chính phủ đã cố gắng huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa để chi cho phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị sử dụng 14.620 tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 để bổ sung chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại địa phương, đến tháng 8/2021, 57/63 địa phương đã sử dụng hết nguồn dự phòng ngân sách địa phương, 8/63 địa phương đã sử dụng tối đa 70% số dư quỹ dự trữ tài chính.

Ủy ban Xã hội thấy rằng, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch trong thời gian tới dự báo lớn nhưng nguồn huy động từ xã hội giảm dần, chính vì vậy, ngân sách Nhà nước vẫn sẽ vẫn là nguồn lực chính.

Trước thực trạng dịch bệnh có tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đã được triển khai như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 xanh”...

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng, các chính sách hỗ trợ hiện hành là quan trọng, song quan trọng hơn là cần nới lỏng dần các biện pháp giãn cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại thì mới có khả năng tồn tại và phục hồi.

Về an sinh xã hội

Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm lương thực, thực phẩm đã được Chính phủ chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời thông qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua đợt dịch lần thứ 4, nhiều trường hợp tử vong do dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố khu vực phía nam, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19.

Theo Ủy ban Xã hội, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế.

Theo báo cáo của địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19 (riêng TPHCM đã có hơn 1.500 trẻ em mồ côi), việc này có thể gây ra những tác động lâu dài như khó khăn về vật chất, khủng hoảng về tinh thần, gián đoạn về học tập, nguy cơ cao về bị bạo lực, xâm hại... ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, bảo đảm an sinh của trẻ em.

Về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh, một số loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội (như trộm cắp, đua xe, tai nạn giao thông…) giảm đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm: Một số tội phạm, tệ nạn mới hoặc đã có từ trước nhưng diễn biến phức tạp hơn như lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Còn có tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi trong tiêm vaccine phòng COVID-19; nhiều vụ việc lợi dụng xe đăng ký mã nhận diện “luồng xanh” để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, kể cả vận chuyển ma túy... Một số cán bộ, công chức chính quyền cơ sở, nhân viên y tế - những người thực thi nhiệm vụ nhưng không nắm rõ quy định, lạm dụng, làm quá, thậm chí vượt quá mức độ các biện pháp mà pháp luật quy định, gây bức xúc trong dư luận.

Về giáo dục

Để thích ứng với đại dịch COVID-19 và bảo đảm quyền học tập của học sinh, sinh viên, Chính phủ đã linh hoạt triển khai các hình thức học tập trực tuyến, học qua truyền hình, các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khai giảng năm học mới phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội; phát động, huy động nguồn lực xã hội và thực hiện hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Tuy nhiên, việc triển khai hình thức học trực tuyến còn một số khó khăn, bất cập cả từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình; chất lượng khó bảo đảm, đồng thời gây ra một số hệ lụy không tốt cho trẻ em.

Dịch COVID-19 có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực sau này khi mà sinh viên các trường đại học, cao đẳng phải học trực tuyến, hạn chế việc thực hành nghề, giảm tính thực tế, thực tiễn, kỹ năng mềm.

Bà Nguyễn Thuý Anh cũng cho biết, Chính phủ về cơ bản đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, khách quan về dịch bệnh, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi khi sử dụng và an ninh, an toàn thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Ủy ban Xã hội cho biết đã nhất trí với các bài học kinh nghiệm, mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của Chính phủ, đồng thời, có một số ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm.

Đó là, khẩn trương rà soát, đánh giá các văn bản, quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này; nghiên cứu, tăng cường dự báo xu hướng COVID-19; chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch COVID-19.

Có biện pháp để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; tăng cường năng lực của hệ thống y tế nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng và phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu; có cơ chế nhằm huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống dịch COVID-19; rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch để có hình thức động viên, khuyến khích trong thời gian cao điểm chống dịch; sớm ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hỗ trợ tâm lý cho người bị di chứng sau nhiễm COVID-19.

Tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung, tự chủ vaccine bảo đảm cung ứng cho người dân trong nước; chỉ đạo triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, phân bổ vaccine hợp lý.

Tiếp tục nghiên cứu, ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em ở các độ tuổi để bảo đảm đưa trẻ trở lại trường học sớm trên cơ sở nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thực tiễn.

Đánh giá hiệu quả của các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để có giải pháp trong những năm tiếp theo; tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn bảo đảm công bằng, không để sót, lọt đối tượng, không để người dân thiếu đói.

Tiếp tục xem xét ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, các khoản đóng bắt buộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh COVID-19; kịp thời nối lại hoạt động thông thương, xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế.

Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong và sau đại dịch; nghiên cứu gắn việc quy hoạch khu công nghiệp với nguồn lao động bảo đảm khả năng đáp ứng hạ tầng kinh tế-xã hội, an sinh xã hội.

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát, đánh giá việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo có tính chất quy phạm trong phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương để điều chỉnh cho phù hợp.

Các địa phương cần bảo đảm tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương, dành tối thiếu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, ưu tiên phân bổ cho trạm y tế xã theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội.

Bố trí ngân sách địa phương, các nguồn tài chính của các Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cho các trạm y tế xã; sử dụng phần kinh phí cắt giảm từ chi lương cho cán bộ y tế để tái đầu tư cho ngành y tế.

Hải Liên


chinhphu.vn