Nhiều nhân sĩ, trí thức, đại biểu Quốc hội nhìn nhận, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, cụ thể và linh hoạt trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, có những chuyến hướng, điều chỉnh phù hợp, sáng tạo trong chiến lược chống dịch, mang lại hiệu quả rõ rệt thời gian qua và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả bền vững, để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”. Thời gian tới, việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với COVID-19 cũng sẽ là một điều chỉnh chiến lược hết sức quan trọng.
Chỉ đạo thống nhất, phân cấp kịp thời, chú trọng cơ sở
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở nước ta với biến chủng Delta diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân, công tác phòng chống dịch của nước ta ngày càng hiệu quả, từng bước tiến tới hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, sáng tạo trong chiến lược chống dịch, nhất là sự điều chỉnh trong đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 này, đã chuyển hướng phòng chống dịch từ tập trung sang kết hợp hài hòa giữa chỉ đạo tập trung, thống nhất với tổ chức thực hiện theo hướng phân công, phân cấp, phân quyền, nhất là chú trọng phân cấp tới xã, phường, thị trấn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ phương châm phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy xã, phường làm “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn.
“Đây là những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, có tính hiệu quả cao, sát với thực tế diễn biến của tình hình dịch bệnh ở các địa phương phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Từ sự chỉ đạo linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, thời gian qua, tuyến y tế cơ sở cấp xã, phường đã phát huy tốt vai trò của mình. Cùng với các cơ sở y tế cố định ở xã, phường, các trạm y tế lưu động cũng đã được thành lập, qua đó đã kịp thời thăm khám, xét nghiệm, sàng lọc bệnh nhân. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong giảm tải bệnh nhân COVID-19 đối với các cơ sở y tế tuyến trên”, ông Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh.
Cũng từ sự chủ trương phân cấp, phân quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vai trò của các lực lượng trực tiếp chống dịch ở tuyến xã phường như công an, dân quân tự vệ, tổ COVID cộng đồng, các tình nguyện viên được phát huy hiệu quả, nhất là trong việc kiểm soát hoạt động giãn cách ở địa phương; hỗ trợ thăm khám y tế; tiếp tế lương thực thực phẩm; tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về phòng chống dịch…
Vai trò trung tâm, chủ thể của người dân cũng được khẳng định mạnh mẽ, người dân thực sự vừa là trung tâm phục vụ, đồng thời cũng là chủ thể thực hiện, là “chiến sĩ” trong “pháo đài” chống dịch ở tuyến cơ sở. Các chủ trương, chính sách đưa ra đều hướng về người dân, phục vụ nhân dân, được người dân nhanh chóng tiếp thu, đồng tình ủng hộ; chung sức đồng lòng, đóng góp về vật chất, sức lực cùng các cấp chính quyền phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, với mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta, dịch bệnh ở nước ta sẽ còn những diễn biến khó lường, vì vậy phương châm coi xã phường là “pháo đài” cần tiếp tục được phát huy cao độ hơn nữa bởi đây là cấp gần dân nhất, sát dân nhất, trực tiếp đóng góp vào hiệu quả của công tác phòng chống dịch. Đồng thời, việc tuyên truyền vận động nhân dân về phòng chống dịch cũng cần tiếp tục được coi trọng, tránh tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh.
Ông cũng bày tỏ tin tưởng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và định hướng “thích ứng an toàn” với dịch, với sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân, các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống y tế trong điều trị bệnh nhân COVID-19, thì các hoạt động của đời sống kinh tế xã hội sẽ sớm trở lại bình thường, đi vào ổn định và tiếp tục phát triển.
Chủ trương đúng đắn, nhân dân ủng hộ, dịch bệnh giảm xuống
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên nhận định, với tiềm lực kinh tế của đất nước còn hạn chế, song những kết quả đạt được về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 này là rất đáng trân trọng. Có được những kết quả quan trọng này, trước hết là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó nổi bật là vai trò chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những quyết sách hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong từng thời điểm chống dịch.
Để đóng góp hiệu quả vào công tác phòng chống dịch, một trong những nhân tố phải kể đến đó chính là vai trò của chính quyền cấp cơ sở ở xã, phường, thị trấn và sự đồng thuận của nhân dân. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên, trong thực tế chống dịch COVID-19 thời gian qua, vai trò của các cấp chính quyền cơ sở, của nhân dân được phát huy xuất phát từ sự điều chỉnh, chuyển hướng rất kịp thời, sát thực tế của Thủ tướng Chính phủ khi nêu lên phương châm phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy xã phường làm “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”; phòng dịch là cơ bản, lâu dài. Chủ trương đúng, phương châm đúng, phù hợp với tình hình thực tế nên đã được các cấp chính quyền, nhất là cơ sở, đồng tình ủng hộ và tích cực vào cuộc, làm theo.
“Trong những ngày qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất nhiều lần kiểm tra thực địa ở cơ sở; bất chợt kiểm tra trực tuyến hoạt động của lãnh đạo xã phường. Tôi thấy rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác tổ chức bộ máy, ý thức công việc, tinh thần trách nhiệm của mỗi “pháo đài” ở cấp cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn và không ngừng được nâng lên, qua đó góp phần quan trọng vào hiệu quả của công tác phòng chống dịch ở cấp cơ sở - cấp trực tiếp, gần dân nhất, sát dân nhất”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ.
Hơn ai hết, mỗi người dân đều cảm nhận sâu sắc được vai trò của xã, phường được phát huy như “pháo đài” khi được người dân ủng hộ và sức mạnh của “pháo đài” được tăng cường, củng cố cũng là để bảo vệ sức khỏe, đời sống của nhân dân; sự chung sức, đồng lòng, đề cao cảnh giác, ý thức tự giác thực hiện công tác phòng chống dịch của nhân dân với vai trò là “chiến sĩ” cũng là để tiếp thêm sức mạnh cho các “pháo đài” trong cuộc chiến chống kẻ thù vô hình mà toàn thế giới đang phải đối mặt và ứng phó là đại dịch COVID-19.
Cũng nhấn mạnh đến vai trò của cấp cơ sở và từng người dân trong phòng chống dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, từ trước đến nay, trong chống dịch, chúng ta luôn có chính quyền tại chỗ, y tế tại chỗ, công an tại chỗ, quân đội tại chỗ và rất nhiều lực lượng tại chỗ khác như các tổ COVID-19 cộng đồng…
Mỗi người dân đều có thể bị nhiễm COVID-19 nên vai trò và hành vi của mỗi cá nhân rất quan trọng. Vì vậy, phương châm mỗi người dân là một “chiến sĩ”, mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài” mà Thủ tướng đưa ra là phương châm rất đúng đắn, có tầm nhìn xa. Theo TS. Trần Đắc Phu, phương châm này rất phù hợp với quan điểm chống dịch như chống giặc. Đây cũng là nền tảng của 4 tại chỗ mà chúng ta đã thực hiện từ những đợt dịch trước, đó là: Chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, nhân lực tại chỗ”.
“Hiệu quả của phương châm này trong chống dịch sẽ rất bền vững vì vấn đề dự phòng 5K bắt đầu từ mỗi cá nhân vô cùng quan trọng và sẽ xuyên suốt trong các hoạt động của mỗi người”, ông Trần Đắc Phu nói.
Chiến lược “thích ứng an toàn”
Phân tích về những chuyển hướng chiến lược chống dịch mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh thông điệp “thích ứng an toàn” với COVID-19 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là người đầu tiên đưa ra.
“Đây là một sự điều chỉnh chiến lược hết sức quan trọng. Thiếu một sự điều chỉnh như vậy, nhiều khả năng là chúng ta sẽ đi sai đường trong cuộc chiến phòng chống dịch”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định.
Lưu ý các bộ, ngành và địa phương cần phản ứng kịp thời hơn với sự điều chỉnh chiến lược của Thủ tướng, TS. Nguyễn Sĩ Dũng tin tưởng, sự điều chỉnh để các giải pháp phòng chống dịch trở nên hợp lý hơn, cùng với một chương trình tiêm chủng vaccine hiệu quả, chắc chắn sẽ là cơ sở để vừa chống dịch, vừa phục hồi hoạt động kinh tế, và bảo đảm an sinh xã hội.
Còn theo TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, “Chống dịch COVID-19 đợt bùng phát lần thứ 4 với chủng mới Delta lây lan cực nhanh tại Việt Nam như là thuốc thử sự quyết đoán mà linh hoạt, cụ thể mà bao quát của Chính phủ trong chỉ đạo và triển khai chiến lược đúng đắn: “sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trước hết, trên hết!”
Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng sự quyết đoán, quyết liệt thể hiện rõ ở việc: Khi dịch bùng phát dữ dội ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã có mặt trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, khích lệ, chỉ đạo chống dịch không kể ngày hay đêm. Ông Nguyễn Viết Chức bày tỏ ấn tượng với sự cụ thể, sâu sát của người đứng đầu Chính phủ khi kiểm tra “đường dây nóng có nóng không!” hay kiểm tra “không báo trước” tại Hà Nội và chỉ đạo kịp thời khắc phục “lỗ hổng” thiếu người đứng đầu chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung.
“Kiểm tra không chỉ có ý nghĩa tại chỗ mà còn gửi thông điệp cho toàn hệ thống về sự cấp thiết phải sát cơ sở, coi trọng sự chủ động tích cực từ cơ sở với định hướng tập trung chỉ đạo nhưng phân cấp, phân quyền mạnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu”, ông Nguyễn Viết Chức phân tích.
“Quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở hiểu biết, nắm chắc lý luận và thực tiễn. Người đứng đầu Chính phủ còn chia sẻ về sự cần thiết phải cụ thể, dễ hiểu, dễ làm và có hiệu quả. Cần quyết đoán mà linh hoạt, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kế hoạch một, chỉ đạo, triển khai mười mới có kết quả. Và điều quan trọng bậc nhất có thắng được dịch hay không là phải biết dựa vào dân, dân phải hiểu dân mới làm được”, ông Nguyễn Viết Chức nói.
Phương Liên-Lê Sơn-Nguyễn Hoàng-Thúy Hà
chinhphu.vn