Biện pháp hiệu quả đã giúp kéo giảm tử vong và cắt giảm chuỗi lây truyền dịch

20/09/2021
GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, các biện pháp can thiệp trong thời gian qua đã giúp kéo giảm tử vong và cắt giảm dây chuyền lây truyền dịch. Nới lỏng giãn cách phải có lộ trình từng bước, chặt chẽ, bài bản.

Đánh giá về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các biện pháp phòng chống dịch trong đợt 4 phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Các biện pháp can thiệp trong thời gian qua đã giúp kéo giảm tử vong và cắt giảm dây chuyền lây truyền dịch.

Cụ thể là, việc tăng cường giãn cách xã hội, xét nghiệm giúp phát hiện nhiều F0 hơn trong các vùng nguy cơ, đặc biệt là vùng xanh-nơi nếu không xét nghiệm diện rộng sẽ bị bỏ sót ca bệnh. Việc gia tăng F0 vì xét nghiệm nhiều là tín hiệu tốt vì đã phát hiện số trường hợp nhiễm thật trong cộng đồng, đánh giá chính xác mức độ lây nhiễm của từng địa bàn, can thiệp sớm hơn, giúp cộng đồng thật sự sạch dịch với bằng chứng đáng tin cậy.

Thứ hai, với hệ thống điều trị 3 tầng, quản lý F0 tại nhà, thành lập các trạm y tế lưu động đã giúp giảm tải cho công tác điều trị, việc chuyển tuyến 2 chiều được nhanh và hiệu quả hơn, làm giảm nhanh số tử vong liên tiếp và bền vững.

Thứ ba, chiến dịch tiêm vaccine đã giúp tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng.

Thứ tư, qua ước tính bằng modelling, các biện pháp can thiệp phòng chống COVID-19 áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 5 đến tháng 9 đã giúp giảm hệ số lây truyền Rt (hệ số lây nhiễm theo thời gian) từ hơn 5 (một F0 lây cho 5 người) xuống 1,03 và có thể đã phòng ngừa được 7,4 triệu ca nhiễm, 740.000 ca nhập viện và 55.000 ca tử vong so với tình huống không áp dụng Chỉ thị 16; tỷ lệ xét nghiệm thấp và tỷ lệ tiêm mũi 1 chỉ đạt 50% người trên 18 tuổi.

Dựa trên cơ sở tính toán bằng công cụ CovaSim (sản phẩm hợp tác đề tài cấp Nhà nước về COVID-19, mô hình đa tác nhân, với các chuyên gia mô hình hóa từ Viện Mô hình hóa Hoa Kỳ) để đánh giá diễn biến tình hình dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, sau ngày 15/9, tùy theo các kịch bản nới lỏng với các biện pháp can thiệp khác nhau, diễn tiến dịch sẽ khác nhau.

Theo đó, nếu nới lỏng giãn cách toàn bộ ngay từ ngày 16/9 sẽ chứng kiến sự bùng nổ dịch COVID-19 với cấp độ lớn hơn đỉnh dịch hiện tại dù có gia tăng tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 lên 33% vào cuối tháng 9 và 70% vào giữa tháng 10. Rt nhanh chóng tăng lên 1,85 trong khoảng từ giữa đến cuối tháng 9.

GS.TS Phan Trọng Lân đề xuất việc nới lỏng giãn cách phải có lộ trình từng bước, chặt chẽ, khoa học. Hiện nay hệ số lây truyền Rt đang còn trên 1 (1,03). Theo ước tính, nếu nới lỏng giãn cách vào ngày 1/10 và tiếp tục thực hiện các giải pháp an toàn, Rt có thể tăng nhẹ lại (1,08) sau đó sẽ giảm. Nhưng nếu gia hạn nới lỏng giãn cách đến ngày 1/11 thì Rt sẽ giảm sâu, xuống 0,91, giúp giảm số ca mắc bền vững hơn.

Thứ hai, cần tập trung xử lý vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, điều trị tại cộng đồng; giữ vững vùng xanh, vùng vàng.

Bên cạnh đó, triển khai thiết lập hệ thống giám sát xuyên suốt, thống nhất để có thể bảo đảm dữ liệu mắc, chết, độ nặng, tỷ lệ xét nghiệm các loại luôn sẵn có, đầy đủ, thống nhất, giúp phát hiện kịp thời xu hướng dịch bệnh, đồng thời đánh giá được tình hình dịch bệnh. Các hệ thống giám sát chủ yếu cần thiết lập gồm: Giám sát ca bệnh tại cơ sở y tế; giám sát trọng điểm tại cơ sở y tế và cộng đồng; giám sát cộng đồng định kỳ tại các vùng nguy cơ tiếp xúc cao.

Việc giám sát ca bệnh cần kết hợp chặt với hoạt động điều tra, truy vết hiệu quả và thần tốc. Đây là một trong các năng lực đáp ứng dịch chính yếu mà WHO yêu cầu phải có trong các tình huống dịch COVID-19.

Mặt khác, cần tập trung triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho tất cả những người trong nhóm có nguy cơ cao, bao gồm người già, người có bệnh nền./.

Thúy Hà


chinhphu.vn