divBắt đầu nhiệm kỳ mới (2011 - 2016) với những thuận lợi, khó khăn và trọng trách mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã gửi “thông điệp” tới mỗi cán bộ, công chức Ngành Tư pháp về đường hướng phát triển của Ngành trong thời gian tới. Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp trân trọng giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Hà Hùng Cường về vấn đề này. /div
Ngay sau khi hoàn thành công tác bầu nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2011-2016, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã bước sang thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, về triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992… Rất nhiều ý kiến thẳng thắn, có thể nói là “gai góc” đã được các đại biểu Quốc hội nêu lên, phản ánh nhu cầu của thực tiễn và mong mỏi của người dân đối với hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội, về tính khả thi và thứ tự ưu tiên của những dự án luật đã được đề xuất, cũng như những dự án luật cần được bổ sung vào Chương trình, những trọng tâm cần được khẳng định trong định hướng, phạm vi sửa đổi Hiến pháp để phúc đáp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền tảng bền vững của Nhà nước pháp quyền và dân chủ xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI.
Với tinh thần Đoàn kết, Kỷ cương, Trách nhiệm, Đổi mới và Phát triển, Bộ Tư pháp- từ Bộ trưởng, tập thể Lãnh đạo Bộ đến các đơn vị chức năng trong phạm vi trách nhiệm của mình, đã tích cực tham mưu cho Chính phủ chuẩn bị các nội dung nói trên phục vụ kỳ họp đầu tiên, rất quan trọng này của Quốc hội khóa XIII. Chưa bao giờ đề xuất của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội lại được chuẩn bị bài bản, công phu và quyết liệt đổi mới như lần này. Nhu cầu tổng thể về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa 2011-2020, trong đó có các dự án ưu tiên cho giai đoạn 2011-2016, cho năm 2012, đã được xác định thông qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình sơ kết 5 năm đầu (2005-2010) thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời với nghiên cứu yêu cầu thể chế hóa các khâu đột phá chiến lược theo tinh thần đổi mới kinh tế đồng bộ với đổi mới chính trị do Đại hội Đảng XI xác định. Tất cả những điều đó đã được Bộ quán triệt và kiên trì theo đuổi để cùng các bộ, ngành rà soát từng nội dung đề xuất, sắp xếp các thứ tự ưu tiên theo sát nhu cầu và điều kiện thực tế, kiên quyết không chấp nhận cách làm “dễ làm trước, khó bỏ lại sau” hoặc “đánh trống ghi tên” các đề xuất dự án luật mà không rõ mục tiêu chính sách và dự báo sơ bộ tác động kinh tế- xã hội của chính sách. Với trách nhiệm được Chính phủ giao, Bộ Tư pháp cùng với Văn phòng Chính phủ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp bước đầu tham mưu với Chính phủ để Chính phủ chủ động tham gia với Đảng, Quốc hội về quan điểm, định hướng, phạm vi, phương pháp triển khai nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI, trọng tâm là những vấn đề liên quan đến bộ máy nhà nước, đặc biệt là các cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tư pháp, chính quyền địa phương trong cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước theo các nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành và phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với những công việc nói trên phục vụ cho việc khởi sự thành công một nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Chính phủ, Bộ, Ngành Tư pháp cũng đã khép lại một giai đoạn phát triển nữa với nhiều khởi sắc để mở đầu một nhiệm kỳ mới bằng một dấu ấn, một viên gạch “chất lượng cao”, tiếp nối trên con đường lịch sử 66 năm phát triển của Ngành. Mỗi thành công, mỗi công việc chúng ta làm được hôm nay đều mang trong mình sâu đậm những giá trị truyền thống “Đoàn kết, Kỷ cương, Trách nhiệm, Đổi mới và Phát triển” của Ngành.
Trong giai đoạn mới - giai đoạn nước ta hòa nhịp bước với cộng đồng quốc tế trong hàng các nước có thu nhập trung bình, mô hình kinh tế của đất nước buộc phải chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng, với sự khai thác tới mức tối đa các ưu thế tự nhiên, sang phát triển theo chiều sâu kết hợp với chiều rộng, để không bị tụt hậu trở lại, vai trò của thể chế xã hội với trung tâm là hệ thống pháp luật và nền hành chính quản trị quốc gia sẽ ngày càng quan trọng, trở thành yếu tố quyết định ở tầm vĩ mô để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Hệ thống pháp luật trong 5 năm tới cũng phải có bước chuyển đổi về chất, từ phát triển theo chiều rộng với việc xây dựng đủ các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục, an ninh quốc phòng sang phát triển theo chiều sâu, với việc tập trung hoàn thiện cả về nội dung, hình thức lẫn kỹ thuật lập pháp các đạo luật đã có với trọng tâm và đột phá là thể chế kinh tế thị trường, thể chế tổ chức, hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thể chế về bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020. Trong đó, trọng tâm của trọng tâm trong hoạt động xây dựng pháp luật 5 năm tới chính là chất lượng của việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản của Nhà nước pháp quyền về tổ chức và thực thi quyền lực nhân dân vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh như Cương lĩnh của Đảng đã xác định.
Cùng với yêu cầu mang tính bứt phá về nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật theo các định hướng trọng tâm nói trên, công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong hoạt động của Ngành cũng bước sang một giai đoạn mới với yêu cầu cải cách vừa sâu, rộng hơn, vừa bền vững hơn trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời chấn chỉnh những lệch lạc phát sinh trong bước đầu cải cách. Hoàn thiện tổ chức và cơ chế thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật nhằm giúp Chính phủ có những giải pháp đột phá khắc phục khoảng cách giữa luật trên giấy và luật trong cuộc sống, bảo đảm vị trí tối thượng và hiệu lực thực tế của Hiến pháp và các đạo luật trong quản lý nhà nước cũng như trong đời sống xã hội. Triển khai các chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, bao gồm cả thi hành án, theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của các vùng miền, kết hợp chặt chẽ giữa việc huy động các nguồn lực xã hội và cơ chế tự quản của các hội nghề nghiệp với trách nhiệm quản lý và sự đầu tư hợp lý, hiệu quả của Nhà nước cho những nơi, những việc cần thiết nhằm thực hiện tốt hơn công bằng xã hội trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ pháp luật, tư pháp. Triển khai Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Tư pháp với khâu đột phá chiến lược là đổi mới cơ bản nội dung, phương thức, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ Tư pháp, đặc biệt là cán bộ có chức danh Tư pháp, cán bộ Tư pháp cơ sở cũng như cán bộ nguồn ở tầm hoạch định chính sách, chiến lược thời kỳ hội nhập.
Dù ở cương vị nào, làm công việc gì trong Ngành Tư pháp, mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận và ý thức được niềm tự hào, vinh dự và trách nhiệm to lớn của những người được nhân dân giao phó trọng trách tham gia vào việc thực hiện những cải cách lớn về pháp luật và tư pháp của đất nước, vào những chuyển động đang làm thay đổi từng bước mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm của mỗi mắt xích trong hệ thống tư pháp theo hướng lấy lợi ích của nhân dân, lấy mức độ đạt được của tiêu chí Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh làm thước đo đánh giá hiệu quả của từng chủ trương, chính sách, từng đạo luật, từng hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật và từng lĩnh vực quản lý của Bộ, Ngành. Một nền Pháp luật thật sự của nhân dân, một nền hành chính tư pháp thật sự do nhân dân, vì nhân dân không thể có được nếu không có sức mạnh của Đoàn kết, Kỷ cương, Trách nhiệm, Đổi mới và Phát triển được tạo nên từ trí tuệ và năng lực tự đổi mới của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, mỗi cơ quan, đơn vị trong Ngành Tư pháp.
Đó chính là thông điệp mà quá khứ, hiện tại và tương lai của Ngành gửi đến cho mỗi chúng ta hôm nay, thôi thúc chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, đưa Ngành Tư pháp phát triển lên một tầm cao mới./.
Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Kỳ này sẽ tập trung nhiều hơn vào điều hành vĩ mô”
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, việc ông tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp là một thuận lợi và cũng là cơ hội để ông tiếp tục thực hiện những dự định muốn thực hiện đối với ngành Tư pháp. Với ưu thế của người tái đắc cử như đã quen người, quen việc, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của anh em giúp việc…, kỳ này, ông sẽ tập trung nhiều hơn vào việc điều hành vĩ mô, hạn chế đến mức thấp nhất những công việc sự vụ chuyên môn, với mong muốn tạo ra một không khí làm việc phấn chấn, góp phần cùng toàn ngành đưa sự nghiệp Tư pháp lên tầm cao mới.
Hồng Thúy |
Hà Hùng Cường