divCăn cứ Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn (sau đây viết tắt là Quyết đính số 471/QĐ-TTg); /div
Căn cứ Thông tư số 48/2011/TT-BTC ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn,
Bộ hướng dẫn việc xác định đối tượng, nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức năm 2011 như sau:
1. Quy định chung
a) Đối tượng hưởng trợ cấp khó khăn: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hệ số lương (lương chức vụ hoặc lương theo ngạch, bậc hiện hưởng) từ 3,00 trở xuống, cụ thể:
- Cán bộ, công chức (bao gồm cả công chức trong thời gian tập sự) thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại các đơn vị quản lý hành chính thuộc Bộ;
- Viên chức thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ;
- Các đối tượng ký kết hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đã được xếp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
b) Mức trợ cấp khó khăn: Mức trợ cấp khó khăn cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Điểm a, Khoản 1, Công văn này là: 250.000 đồng, đây là khoản trợ cấp đột xuất, không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.
Việc chi trả trợ cấp khó khăn cho các đối tượng nêu trên được thực hiện 02 (hai) lần trong quý II năm 2011 như sau:
- Lần thứ nhất: thực hiện trong tháng 4/2011, mức trợ cấp là 150.000 đồng/người;
- Lần thứ hai: thực hiện trong tháng 5/2011, mức trợ cấp là 100.000 đồng/người
c) Căn cứ quy định tại Quyết định số 471/QĐ-TTg, Thông tư số 48/2011/TT-BTC và hướng dẫn tại Công văn này, các đơn vị dự toán thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng và tổng hợp nhu cầu kinh phí để thực hiện trợ cấp khó khăn của đơn vị mình gửi về Bộ (Vụ Kế hoạch – Tài chính) để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.
2. Về xác định nhu cầu kinh phí thực hiện khó khăn theo Quyết định số 471/QĐ-TTg
Nhu cầu kinh phí thực hiện trợ cấp khó khăn được xác định căn cứ vào số đối tượng quy định tại Khoản 1 Công văn này có mặt tại thời điểm ngày 30 tháng 3 năm 2011 và mức trợ cấp 250.000 đồng/người.
3. Về nguồn kinh phí để đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện trợ cấp khó khăn
- Kinh phí thực hiện trợ cấp khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (trừ đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên) do ngân sách nhà nước đảm bảo;
- Kinh phí thực hiện trợ cấp khó khăn cho cán bộ, viên chức ở đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên được bảo đảm từ nguồn tài chính của đơn vị.
4. Về chế độ báo cáo về nhu cầu và nguồn thực hiện trợ cấp khó khăn
Các đơn vị dự toán thuộc Bộ có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo số đối tượng, nhu cầu kinh phí thực hiện trợ cấp khó khăn gửi về Bộ (Vụ Kế hoạch – Tài chính) trước ngày 22 tháng 4 năm 2011 để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính. Khi gửi văn bản đề nghị đơn vị đồng thời gửi kèm file dữ liệu vào địa chỉ: khtc@moj.gov.vn
Các đơn vị dự toán cấp II có trách nhiệm hướng dẫn và tổng hợp báo cáo nhu cầu kinh phí thực hiện trợ cấp khó khăn của các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc gửi về Bộ trong thời hạn nói trên.
(Các đơn vị lập báo cáo theo biểu mẫu số 1 đính kèm)
5. Phương thức chi thực hiện trợ cấp khó khăn
- Sau khi Bộ Tài chính thẩm định và thông báo bổ sung kinh phí thực hiện trợ cấp khó khăn, Bộ Tư pháp sẽ phân bổ kinh phí cho các đơn vị dự toán để tổ chức thực hiện;
- Trong khi chờ cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí, các đơn vị dự toán chủ động sử dụng ngân sách năm 2011 đã được giao để kịp thời chi trả trợ cấp khó khăn cho các đối tượng theo chế độ quy định. Số kinh phí đã sử dụng này được hoàn lại nguồn bằng số bổ sung kinh phí để thực hiện trợ cấp khó khăn của cơ quan có thẩm quyền;
- Kế toán và quyết toán: việc kế toán, quyết toán kinh phí thực hiện trợ cấp khó khăn thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành. Kinh phí trợ cấp khó khăn theo Quyết định số 471/QĐ-TTg được hạch toán vào Mục 6400, Tiểu mục 6499.
Bộ thông báo để đơn vị biết và thực hiện.