Tập trung đưa pháp luật đến với đồng bào Tây Nguyên

06/03/2006
Tập trung đưa pháp luật đến với đồng bào Tây Nguyên
Ngày 20/2/2006, đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cùng lãnh đạo một số vụ của Bộ Tư pháp đã làm  việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các tỉnh Đắk Nông, Đăk Lăk tìm hiểu tình hình thực hiện Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp cũng như các hoạt động khác của ngành tư pháp địa phương trong thời gian qua.

 Theo báo cáo của UBND tỉnh Đăk Nông, mặc dù còn nhiều khó khăn, song lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh tập trung đẩy  mạnh việc thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và thực hiện chức năng nhiệm vụ theo qui định pháp luật, trong đó công tác tư pháp địa phương trong 2 năm qua đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận về các mặt như : Xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất cũng như điều kiện làm việc, triển khai các nhiệmvụ công tác trọng tâm khác của ngành tư phápvà địa phương. Hiện tại, Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp gồm 10 thành viên, trong đó Phó bí thư thường trực tỉnh uỷ làm trưởng ban.  Ban chỉ đạo đã tiến hành tổng kết 4 năm thực hiện nghị quyết 08 củaBộ chính trị. Ban thường vụ tỉnh uỷ cũng đã ban hành chỉ thị để triển khai thực hiện chỉ thị 32 của Ban bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. HĐND tỉnh khoá I cũng đã có nghị quyết thông qua đề án “công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trong toàn tỉnh từ name 2005đến 2010. Hàng năm UBND tỉnh đều ban hành các quyết định phê duyệt kế hoạch công tác của Sở tư pháp trong việc triển khai  thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhiệm vụ trong tâm công tác tư pháp trong năm. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật và kế hoạch ban hành văn bản qui phạm pháp luật ;quyết định thành lập và ban hành qui chế hoạt động của hội đồng phối hợp công tác phổ biến,giáo dục pháp luật và ban chỉ đạo thi hành án của tỉnh, huyện…

Phát biểu với đoàn công tác của Bộ, đồng chí Phan Tuấn Pha, bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với ngành tư pháp của tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí Pha cho biết, với đặc thù địa bàn của tỉnh (31 đồng bào dân tộc sống ở 124 buôn), trình độ dân trí không đồng đều nên việc phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, do tỉnh mới thành lập cần  phải ban hành nhiều văn bản mới về quản lý nhà nước, nhưng ngành tư pháp đã tham mưu, thẩm định đạt kết quả tốt. Về vấn đề cộng tác viên tư vấn pháp luật, theo dồng chí Pha thời gian qua cũng đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, bởi với số lượng đồng bào dân tộc chiếm số lượng lớn, đòi hỏi cán bộ tư pháp phải hiểu biết phong tục tập quán, tiếng nói mới có thể tuyên truềyn đạt hiệu quả cao hơn nữa. Do vậy, đồng chí Pha đề nghị Bộ Tư pháp có biện pháp hỗ trợ tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ cộng tác viên là đồng bào dân tộc để phục vụ tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Đồng chí Uông  Chu Lưu , Bộ trưởng  Bộ Tư  pháp thay mặt lãnh đạo Bộ cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đối với các mặt công tác ngành tư pháp thời gian qua. Bộ trưởng Uông Chu Lưu nhấn mạnh vai trò của ngành tư pháp góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ là đồng bào dân tộc, Bộ trưởng thông báo hiện tại đã có Học viện tư pháp đào tạo các  chức danh tư pháp như KSV, TP, CHV, CCV, LS … Hiện tại, Bộ đã xây dựng xong Trung tâm đào tạo các chức danh tư pháp tại ĐàLạt, nhằm phục vụ cho đào tạo cán bộ tư pháp các tỉnh Tây Nguyên. Bộ trưởng đề nghị tỉnh có kế hoạch phối hợp để đào tại các chức danh đó. Về vấn đề nguồn đào tạo, Bộ trưởng cho biết sẽ tạo điều kiện và phối hợp với Bộ giáo dục đào tạo thực hiện chương trình cử tuyển ngành luật đối với đồng bào dân tộc. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới khi thực hiện việc phân cấp công tác tư pháp cho cấp huyện, xã công việc cán bộ tư pháp ở đây sẽ rất lớn. Do vậy, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tư pháp đáp ứng được nhiệm vụ.

Đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật,  Bộ trưởng đề nghị tìm phương thức tuyên truyền như thế nào để giúp đồng bào dân tộc hiểu được pháp luật của nhà nước. Bộ trưởng lưu ý, không cần thiết phải tuyên truyền tất cả các văn bản pháp luật mà cần chú trọng đến những vấn đề thiết thân nhất để đáp ứng nhu cầu đời sống bà con. Bộ trưởng đề nghị sở tư pháp phối hợp với sở Nội vụ có biện pháp xây dựng độ ngũ cộng tác viên tư vấn là người dân tộc, biên soạn các sách bằng tiếng dân tộc… Bộ trưởng cũng lưu ý địa phương cố gắng xem xét những luật tục của đồng bào dân tộc, cái nào phù hợp pháp luật nên duy trì và phát huy. Về đời sống cán bộ tư pháp, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa, giúp họ yên tâm công tác, phục vụ tốt nhiệm vụ của ngành.

Cùng ngày, Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Đăk Lăk và các cơ quan khối nội chính về công tác tư pháp. Báo với với Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Xuân Bỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đăk Lăk cho biết  hiện nay, công tác tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp trong tỉnh, huyện và xã đã cơ bản được kiện toàn.  Công tác xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật đã được triển khai thực hiện nghiêm chỉnh, đúng trình tự, thủ tục và có khả năng thực thi cao. Trong những năm qua, Sở Tư pháp  đã tham mưu, thẩm định nhiều văn bản quan trọng, góp phần phát triển kinh ét địa phương, ổn định an ninh trật tự…  Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được chú trọng, trong đó có sự quan tâm đói với đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Các mặt hoạt động khác của sở như công tác thi hành án, công tác bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp được lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp đánh giá cao.

  

Đối với việc triển khai nghị quyết 08 của Bộ chính trị trong thời gian qua và sắp tới triển khai nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, lãnh đạo các cơ quan nội chính của tỉnh Đăk Lăk cho biết đã thực hiện  tốt, theo đúng tinh thần nghị quyết đề ra. Các cơ quan đã có sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả các mặt công tác. Tuy nhiện, trong quá trình thực chủ trương cải cách tư pháp cũng có vướng mắc nhất định. Trong đó, vấn đề nhân sự đối với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp (luật sư, giám định) còn mỏng, chưa đồng bộ và là một trong những bức xúc của địa phương.  Đồng chí Lữ Ngọc Cư, chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đề nghị Bộ trưởng với tư cách là thành viên ban cải cách tư pháp trung ương quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ tỉnh bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ các bộ ở các cơ quan nội chính, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà tỉnh uỷ, UBND tỉnh đề ra.

   

Bộ trưởng Uông Chu Lưu đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cần kiện toàn hơn nữa bộ máy cán bộ tư pháp. Bộ trưởng nhấn mạnh, với lực lượng cán bộ tư pháp Đăk lăk như hiện nay, nhất là cấp huyện và xã khi thực hiện phân cấp theo nghị định 158 của chính phủ sẽ gặp rất khó khăn. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh nên có kế hoạch cụ thể  mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, trong đó chú trọng và ưu tiên đến cán bộ là đồng bào dân tộc. Bộ trưởng cho biết Bộ tư pháp sẽ sẳn sàng hỗ trợ giáo trình, giáo viên cho tỉnh. Cũng như Đắk Nông, Bộ trưởng lưu ý với địa bàn tỉnh Dăk Lăk gồm 44 dân tộc an hem, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cần chú trọng đến những văn bản pháp luật gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc.

  

Ngày 21/2/2006, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các thành viên trong đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Kon tum.  

 Nguyễn Đức