divThực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 1532/QĐ-TTg ngày 23/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời, để thi hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, ngày 28/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2369/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp”./div
Đề án xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có những nội dung cơ bản sau đây:
1. Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia
Theo quy định tại Điều 12 của Luật Lý lịch tư pháp và Điều 4 của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia được xác định là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước. Với tư cách là trung tâm tích hợp dữ liệu lý lịch tư pháp chung của toàn quốc, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia sẽ có quan hệ phối hợp với khoảng hơn 200 đầu mối các cơ quan, tổ chức trên toàn quốc.
Trên cơ sở xác định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Đề án xác định cụ thể cơ cấu tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia bao gồm lãnh đạo Trung tâm; Phòng Hành chính tổng hợp; Phòng Tiếp nhận và xử lý thông tin; Phòng Dữ liệu lý lịch tư pháp. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Hành chính tổng hợp và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc cơ cấu tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia sẽ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
2. Kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp
Đề án tập trung làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp, theo đó, Sở Tư pháp là cơ quan vừa thực hiện chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời, là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng tại Sở Tư pháp bao gồm các thông tin lý lịch tư pháp của người có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương, về cơ bản, các Sở Tư pháp sử dụng tổ chức hiện có của Sở là Phòng Hành chính tư pháp, được bổ sung thêm biên chế để thực hiện nhiệm vụ mới. Riêng đối với Sở Tư pháp 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ với đặc thù là 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đề án xác định thành lập Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp.
3. Các giải pháp thực hiện Đề án
Để bảo đảm tính khả thi của các hoạt động nêu trong Đề án, Mục III, Phần thứ hai của Đề án đã nêu các giải pháp để thực hiện Đề án, bao gồm: giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế; giải pháp về phối hợp cung cấp thông tin giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ sở dữ liệu khác như hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giải pháp về tổ chức bộ máy, biên chế; giải pháp về bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp, giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin; giải pháp về đào tạo công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp.
4. Tổ chức thực hiện Đề án
Để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án, Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành và cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Đề án. Theo đó, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện Đề án. Đồng thời, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan cũng được làm rõ gắn với từng nhiệm vụ cụ thể, bảo đảm cho việc thực hiện Đề án trên thực tế./.
Minh Phương – Vụ Hành chính tư pháp