Bộ Chính trị ra Nghị quyết về cải cách Tư pháp

18/06/2005
Bộ Chính trị ra Nghị quyết về cải cách Tư pháp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu, tại cuộc gặp gỡ với giới báo chí sáng 17/6 cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về cải cách Tư pháp từ nay đến năm 2020.Theo đó, trọng tâm là cải cách hệ thống toà án. Thay vì tổ chức toà án theo cấp hành chính hiện nay thì tới đây sẽ lập các toà theo thẩm quyền xét xử...

Xem xét, nghiên cứu thành lập Viện công tố

Theo đó, trọng tâm là cải cách hệ thống toà án. Thay vì tổ chức toà án theo cấp hành chính hiện nay thì tới đây sẽ lập các toà theo thẩm quyền xét xử. Chẳng hạn, cấp sơ thẩm sẽ có các toà liên huyện, khu vực. Đồng thời, ở cấp tỉnh sẽ lập toà phúc thẩm xét xử những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.

Toà thượng thẩm sẽ tách ra khỏi Toà tối cao, được thành lập theo khu vực và làm nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm. Toà tối cao chủ yếu làm công việc rà soát văn bản, tổng kết, hướng dẫn xét xử.

Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Uông Chu Lưu cho biết, nghị quyết có đề cập xem xét, nghiên cứu thành lập Viện công tố trên cơ sở Viện kiểm sát nhưng không nói là đưa cơ quan này về trực thuộc Chính phủ.

Nghị quyết nêu rõ yêu cầu chuẩn bị về cơ sở vật chất, cơ sở pháp lý cho hoạt động thi hành án. Tới đây, thi hành án dân sự và thi hành án hình sự sẽ cùng do Bộ luật Thi hành án điều chỉnh. Một vấn đề đặt ra là tổ chức cơ quan này sẽ như thế nào khi hiện nay, thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quản lý?

Theo Bộ trưởng Uông Chu Lưu, Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo Bộ luật thi hành án. Tháng 9 tới sẽ trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đưa ra Quốc hội xin ý kiến vào kỳ họp cuối năm.

Trong cải cách tư pháp, chính sách hình sự cũng được sửa cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, yêu cầu là giảm án tử hình, giảm bớt các khung hình phạt ở mức cao, mở ra các hình phạt khác không phải là phạt tù. Bộ luật Hình sự cũng phải sửa đổi khi thực tế phát sinh các tội phạm mới liên quan đến vi tính, rửa tiền...

Luật sư chạy án: ''Tôi rất đau lòng...''

Hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, giám định sẽ theo hướng xã hội hoá. Với luật sư, phải vừa có trình độ pháp lý vừa phải có phẩm chất đạo đức tốt. ''Tôi rất đau lòng khi đọc trên báo sáng nay về vụ một luật sư nhận tiền chạy án'', Bộ trưởng Uông Chu Lưu bộc bạch. Theo ông, các đoàn luật sư nên sát sao hơn đến các thành viên.

Bộ trưởng nhấn mạnh một nhiệm vụ của cải cách tư pháp, coi đào tạo cán bộ là công tác trọng yếu, trọng tâm. Qua một số tranh chấp trong giao thương, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài đã thể hiện trình độ pháp lý của ta còn yếu. Ông đánh giá: ''Báo chí vừa qua đưa các vụ việc này đã tạo ra hồi chuông cảnh tỉnh trong bối cảnh hội nhập và làm ăn với quốc tế''.

Tìm sự chia sẻ của báo chí, Bộ trưởng Uông Chu Lưu đánh giá, công việc của ngành từ nay đến cuối năm rất nặng nề, nhất là công tác lập pháp. Bộ phải thẩm định nhiều dự án luật để chuẩn bị xin ý kiến Quốc hội vào cuối năm. Trong khi đó, Chính phủ còn nợ hàng trăm nghị định. Ngoài Bộ luật Thi hành án, Bộ cũng phải chủ trì soạn thảo Luật đăng ký bất động sản, Bộ luật xử lý vi phạm hành chính.

Về công tác bổ trợ tư pháp, Bộ trưởng Uông Chu Lưu khẳng định sẽ tăng cường quản lý, phân cấp, giảm bớt phiền hà. Nhắc lại vụ con, cháu của 2 cán bộ cao cấp đi làm giấy đăng ký khai sinh, kết hôn nhiều lần không xong, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo, phối hợp làm rõ sự việc. Kết quả là cán bộ hộ tịch đã làm đúng nhưng do thủ tục còn phiền hà. Hơn nữa, thái độ của cán bộ hộ tịch đó chưa được đúng mực.

Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện công khai thủ tục hành chính trên báo chí và trên trang web của Bộ (http://www.moj.gov.vn)

Văn Tiến(Theo VietnamNET)