Triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp

27/05/2010
Ngày 05/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014. Trên cơ sở đề xuất của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, ngày 27/5/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có ý kiến chỉ đạo Kế hoạch triển khai Quyết định số 585/QĐ-TTg như sau:

I. Về việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thư ký Chương trình

1. Dự kiến thành phần Ban chỉ đạo, Tổ thư ký

Theo quy định của Chương trình, việc quản lý, điều hành Chương trình sẽ được thực hiện thông qua Ban Chỉ đạo và Tổ Thư ký Chương trình. Thành phần Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký như sau:

a. Ban chỉ đạo Chương trình:

Dự kiến Ban Chỉ đạo Chương trình gồm có các thành viên sau đây:

(1) Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Trưởng ban;

 (2) Thứ trưởng Bộ Tài chính – Thành viên;

 (3) Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Thành viên;

 (4) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Thành viên;

 (5) Thứ trưởng Bộ Công thương – Thành viên;

 (6) Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội – Thành viên;

 (7) Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc – Thành viên;

 (8) Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai – Thành viên;

 (9) Đại diện Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Thành viên;

(10) Đại diện Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – Thành viên;

(11) Đại diện Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam – Thành viên;

(12) Đại diện Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Thành viên;

(13) Đại diện Lãnh đạo Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp – Thành viên;

(14) Đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp – Thành viên.

b. Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo:

 Dự kiến Tổ Thư ký có các thành viên sau đây:

 - Đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Tổ trưởng;

 - Đại diện Lãnh đạo Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp - Phó Tổ trưởng;

 - 01 Cán bộ cấp Vụ hoặc chuyên viên Bộ Tài chính – Thành viên;

 - 01 Cán bộ cấp Vụ hoặc chuyên viên Bộ Thông tin và Truyền thông – Thành viên;

 - 01 Cán bộ cấp Vụ hoặc chuyên viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư –Thành viên;

 - 01 Cán bộ cấp Vụ hoặc chuyên viên Bộ Công thương – Thành viên;

 - 01 Lãnh đạo Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội – Thành viên;

 - 01 Lãnh đạo Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc – Thành viên;

 - 01 Lãnh đạo Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai – Thành viên;

 - 01 Lãnh đạo đơn vị trực thuộc hoặc chuyên viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Thành viên;

 - 01 Lãnh đạo đơn vị trực thuộc hoặc chuyên viên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – Thành viên;

 - 01 Lãnh đạo đơn vị trực thuộc hoặc chuyên viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Thành viên;

 - 01 Lãnh đạo đơn vị trực thuộc hoặc chuyên viên Liên minh Hợp tác xã Việt Nam – Thành viên.

 - 01 Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ Tư pháp – Thành viên;

 - 01 Cán bộ cấp phòng của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp – Thành viên chuyên trách, Điều phối viên Chương trình;

- 01 Cán bộ Văn phòng Bộ Tư pháp – Thành viên chuyên trách, Kế toán Chương trình;         

 - 02 Chuyên viên Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Thành viên chuyên trách, Thư ký Chương trình;

 - 02 Cán bộ pháp lý Văn phòng Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp – Thành viên chuyên trách, Thư ký Chương trình.

c. Thường trực Tổ Thư ký:

Dự kiến Thường trực Tổ Thư ký gồm các cán bộ là thành viên của Tổ Thư ký công tác tại Bộ Tư pháp và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp nêu tại điểm b Mục I.1, cụ thể như sau:

- Tổ trưởng Tổ Thư ký;

- Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký;

- 01 Điều phối viên Chương trình;  

- 01 Kế toán Chương trình;

- 04 Thư ký Chương trình.

2. Tổ chức triển khai

Trên cơ sở dự kiến thành phần Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký, Bộ Tư pháp có công văn gửi các cơ quan, tổ chức nêu trên, đề nghị các cơ quan, tổ chức cử đại diện tham gia thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký Chương trình. Trên cơ sở Công văn cử đại diện tham gia thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký Chương trình, Bộ Tư pháp sẽ ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký Chương trình. Thời gian thực hiện: trong tháng 5/2010.

II. Xây dựng dự thảo Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014

Theo quy định của Chương trình, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng  Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014. Lãnh đạo Bộ giao cho Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014 để trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt. Thời gian thực hiện: trước ngày 15/6/2010.

III. Xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014

Theo quy định của Chương trình, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai Chương trình. Để thực hiện nhiệm vụ này, Lãnh đạo Bộ Tư pháp giao Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các công việc như sau: xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình; tổ chức khảo sát tại 07 địa phương triển khai các hoạt động điểm của chương trình để xác định nhu cầu và lập kế hoạch triển khai Chương trình; xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai chương trình (Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch hàng năm). Thời gian thực hiện: Tháng 6/2010.

IV. Hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp

Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp. Dự thảo Thông tư liên tịch này đã được hoàn thiện và lấy ý kiến các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch sẽ được ban hành ngay sau khi Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được phê duyệt, trong đó, ngoài các nội dung và định mức chi cho các hoạt động thường xuyên cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66, Thông tư liên tịch sẽ bao gồm luôn các nội dung và định mức chi cho Chương trình. Lãnh đạo Bộ tiếp tục giao Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế phối hợp với Bộ Tài chính (Vụ hành chính sự nghiệp) trong tháng 5/2010, rà soát nội dung và định mức chi cho Chương trình bổ sung vào Thông tư liên tịch trước khi trình Lãnh đạo 2 Bộ hai bên ký ban hành.

V. Chuẩn bị kinh phí triển khai Chương trình

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010-2014 đã được phê duyệt, tuy nhiên kinh phí thực hiện các hoạt động năm 2010 chưa được dự toán và cấp phát. Để kịp thời triển khai các hoạt động của Chương trình, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đề nghị Lãnh đạo Bộ chỉ đạo Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ cân đối kinh phí để cho phép Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tạm ứng một khoản kinh phí để triển khai Chương trình; giao Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì làm việc với Bộ Tài chính để xin cấp phát khoản kinh phí đột xuất cho Bộ Tư pháp để triển khai các hoạt động của Chương trình trong năm 2010.

Trần Minh Sơn