Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp

26/02/2010
Ngày 11/02/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký a href="http://vbdh.moj.gov.vn/dldieuhanh.nsf/str/766203AA4D6515AA472576D6002CBB55?OpenDocument" Quyết định số 258/QĐ-TTg/a Phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Việc xây dựng và phê duyệt Đề án này trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo sau đây:

- Việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phải thể chế hoá chủ trương của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, bảo đảm hoạt động giám định đáp ứng tốt các yêu cầu của hoạt động tố tụng, gắn với thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp và việc thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

- Đề án phải khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp: hoàn thiện thể chế giám định tư pháp phải đồng bộ, liên thông, song hành với việc đổi mới pháp luật tố tụng; hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp phù hợp với tình hình mới; đặc biệt phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong hoạt động giám định tư pháp bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng; nâng cao vị thế của tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp, tạo vị trí xứng tầm hoạt động giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng, cải cách tư pháp và trong xã hội; chuyển biến nhận thức của các ngành, các cấp về giám định tư pháp.

- Đề án phải bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ và khả thi, có tính kế thừa, tận dụng tối đa nguồn lực hiện có. Các biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, không trùng lặp, chồng chéo với việc hoạch định những chương trình, chính sách trong từng lĩnh vực giám định riêng biệt đã và đang được các Bộ, ngành thực hiện.

  Mục tiêu tổng quát của Đề án này là đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của toà án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân ngoài hoạt động tố tụng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

  Nội dung chính của Đề án tập trung trong các nhóm nội dung, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cơ bản như sau:

1. Hoàn thiện chế định giám định tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp;

2. Hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp: Củng cố, phát triển các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần ở trung ương thành các Trung tâm đầu ngành; tiếp tục phát triển, hoàn thiện tổ chức giám định kỹ thuật hình sự ở trung ương; đầu tư phát triển cơ sở giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự trọng điểm theo khu vực, vùng miền; củng cố và phát triển các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự  ở cấp tỉnh; Huy động, thu hút các cơ quan, tổ chức chuyên môn có năng lực, điều kiện ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt  là ở các lĩnh vực văn hoá, tài chính - kế toán, xây dựng, môi trường, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông và các lĩnh vực khác tham gia hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng;

3. Xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ người giám định tư pháp đủ về số lượng, cao về trình độ chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ và có kiến thức pháp lý cần thiết để phục vụ đắc lực hoạt động tố tụng trước yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp.

4. Đổi mới hoạt động trưng cầu, yêu cầu và thực hiện giám định; đổi mới hoạt động đánh giá kết luận giám định.

5. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan về giám định tư pháp.

6. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp và thực thi pháp luật

 Theo quy định của Đề án, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện Đề án. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan cũng được làm rõ gắn với từng nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, Đề án đề cao vai trò và trách nhiệm của Bộ Tư pháp, các Bộ chủ quản, các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương trong việc thực hiện Đề án nhằm bảo đảm cho việc thực hiện Đề án trên thực tế.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khả thi của Đề án, danh mục các Dự án bảo đảm thực hiện Đề án được ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt Đề án. Trên cơ sở này, các Bộ được giao nhiệm vụ sẽ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan xây dựng Dự án chi tiết và dự toán cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Trước mắt, số kinh phí bảo đảm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay và làm nền tảng cho việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án là 16.230.000.000 đồng (mười sáu  tỷ, hai  trăm ba mươi triệu đồng). Sau đó, các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm lập dự toán bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao theo tiến độ quy định tại Đề án, gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định và giao dự toán theo quy định của Luật Ngân sách.

Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp là Đề án mang tính tổng quan, đưa ra các định hướng lớn cho việc đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp, liên quan trực tiếp đến các Bộ, ngành và địa phương với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, phức tạp và được thực hiện trong nhiều giai đoạn, từ năm 2010 đến hết năm 2015, trong đó năm 2010 là năm triển khai thực hiện khối lượng công việc rất lớn, quan trọng, đặt nền tảng cho các nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện trong những năm tiếp theo.

Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp kèm theo bài viết này.

Nguyễn Thị Thụy