Triển khai Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, ngày 30/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1987/QĐ-TTg phê duyệt Đề án"Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”. Sau đây là một số nội dung chủ yếu của Đề án:
1. Mục tiêu của Đề án
Đề án xác định 01 mục tiêu tổng quát và 03 mục tiêu cụ thể. Mục tiêu tổng quát là tăng cường hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhằm đảm bảo pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành và xây dựng pháp luật. Các mục tiêu cụ thể là: (1) Xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật; (2) Đánh giá tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực thí điểm tại một số Bộ, ngành, địa phương và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật; (3) Củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật tại một số Bộ, ngành và địa phương.
2. Các hoạt động chủ yếu của Đề án
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra 6 hoạt động chủ yếu, bao gồm: (1) Tập huấn triển khai thực hiện Đề án; (2) Rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về công tác thi hành pháp luật; (3) Thí điểm điều tra, khảo sát tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và các tổ chức tài chính; khảo sát, trao đổi và học tập kinh nghiệm về hoạt động quản lý thi hành pháp luật nước ngoài; (4) Biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật; (5) Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công tác theo dõi thi hành pháp luật; (6) Củng cố, kiện toàn hoặc thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật.
3. Các kết quả chủ yếu của Đề án
Sau khi hoàn thành tất cả các hoạt động được đưa ra, Đề án xác định các kết quả chủ yếu sẽ đạt được bao gồm: (1) Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc ban hành mới nhằm tăng cường hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật; (2) Báo cáo về tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và các tổ chức tài chính; Báo cáo khảo sát về hoạt động quản lý thi hành pháp luật tại một số nước; (3) Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật; (4) Dự thảo Nghị định của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật (trong đó có các tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật); Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành; (5) Củng cố, kiện toàn tổ chức thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật tại Bộ Tư pháp và các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ và Y tế; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An.
4. Tổ chức thực hiện
- Về tiến độ thực hiện Đề án: Đề án được thực hiện trong thời gian 18 tháng, bắt đầu từ tháng 01/2010 và kết thúc vào tháng 6/2011.
- Về kinh phí: Nguồn kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước cấp theo quy định hiện hành; ngoài ra, có thể huy động các nguồn kinh phí tài trợ khác (nếu có). Khoản kinh phí dành cho các hoạt động của Đề án do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương thực hiện là 2.980.000.000, đồng (hai tỷ chín trăm tám mươi triệu đồng). Đối với kinh phí dành cho các Bộ, ngành và địa phương có nội dung thưc hiện thí điểm, căn cứ các hoạt động có liên quan của Đề án, các Bộ, ngành và địa phương có nội dung thực hiện thí điểm lập dự toán kinh phí, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Về phân công trách nhiệm: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, ngành và địa phương, Đề án phân công Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp thực hiện Đề án.
Trần Văn Đạt