Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Pháp lý

19/11/2009
Thực hiện Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ngày 22/08/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, ngày 13/11/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành a href="http://vbdh.moj.gov.vn/dldieuhanh.nsf/str/6287ABFA322E2F4547257673000E0145?OpenDocument" Quyết định số 3233/QĐ-BTP/a quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Pháp lý.

Theo đó, Viện Khoa học pháp lý là tổ chức sự nghiệp khoa học thuộc Bộ Tư pháp có chức năng nghiên cứu chiến lược, cơ chế, chính sách về xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật, phát triển ngành Tư pháp, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ, góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý công tác nghiên cứu khoa học pháp lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học pháp lý xác định bao gồm: Lãnh đạo Viện (Viện trưởng và không quá 03 (ba) Phó Viện trưởng) và các tổ chức trực thuộc Viện, cụ thể như sau:

- Phòng Quản lý khoa học và Tổng hợp;

- Ban nghiên cứu Chiến lược xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý Ngành;

- Ban nghiên cứu Tư pháp - Hình sự;

- Ban nghiên cứu Pháp luật Hành chính - Nhà nước

- Ban nghiên cứu Pháp luật Dân sự - Kinh tế;

- Ban nghiên cứu Pháp luật quốc tế - Luật so sánh và Quyền con người;

- Trung tâm Thông tin - Thư viện.

Về trách nhiệm và mối quan hệ công tác, ngoài các quy định về mối quan hệ chung mang tính nguyên tắc giữa Viện Khoa học Pháp lý với các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, Viện còn có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học pháp lý, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp. Chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ trong xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học dài hạn, 5 năm và hàng năm của Bộ và tổ chức khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động của Bộ, Ngành.

Trên đây là một số nội dung chủ yếu của Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Pháp lý.

Huệ Hương