Hoạt động công chứng là một trong lĩnh vực hoạt động đang được xã hội và nhân dân hàng ngày mong đợi sự cải cách và phát triển, nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong giao kết hợp đồng.
Từ công tác quản lý, theo dõi cho thấy: tỉnh Hưng Yên là một trong số địa phương đi đầu trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công chứng. Trong thời gian qua, Sở Tư pháp Hưng Yên đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đúng đắn chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực phát triển nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực Tư pháp. Có thể nói rằng, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên là một trong số tỉnh đi đầu trong việc ban hành Quyết định chuyển giao các hợp đồng, giao dịch từ Uỷ ban nhân dân cấp xã sang cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Đồng hành với công tác này, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã và đang chú trọng đối với sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 2 Phòng công chứng và 3 Văn phòng công chứng được thành lập. Việc thực hiện Quyết định chuyển giao lần thứ nhất tại tỉnh Hưng yên đang từng bước thu được nhiều kết quả tốt đẹp, hiệu quả. Đó là, sự bảo đảm an toàn pháp lý đối với hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, việc chuyển giao đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cơ quan hữu quan đóng trên địa bàn tỉnh và của nhân dân địa phương.
Hiện nay, đã có một số địa phương đang chuẩn bị tiếp tục ban hành quyết định về việc chuyển giao hợp đồng, giao dịch từ Uỷ ban nhân dân cấp xã sang cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, theo phương thức cuốn chiếu, có nghĩa là tổ chức hành nghề công chứng được thành lập tới đâu sẽ có quyết định chuyển giao hợp đồng, giao dịch từ Uỷ ban nhân dân sang cho tổ chức hành nghề công chứng tới đó. Đây là vấn đề thực thi đúng đắn của các địa phương trong việc thi hành Luật công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện cần có sự hướng dẫn. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung Công văn số 3231/BTP-BTTP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ một số vướng mắc trong lĩnh vực công chứng gửi Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên để thông qua đó hướng dẫn, trả lời chung cho các địa phương đang tiếp tục chuẩn bị quyết định tiếp theo cho công tác này.
Thứ nhất: Vấn đề Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, được trả lời, hướng dẫn như sau:
Ngày 29/11/2006, Quốc hội đã ban hành Luật Công chứng. Tiếp đó, Ngày 18/5/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, trong đó đã phân biệt, tách bạch rõ về công tác công chứng và công tác chứng thực. Theo đó, các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch, còn UBND cấp xã, cấp huyện thực hiện việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
Ngày 25/8/2008, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2008/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, tại Điểm 8 của Thông tư số 03/2008/TT-BTP đã quy định rõ về việc từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
Tiếp theo, ngày 18/6/2009 Bộ Tư pháp đã ban hành Văn bản số 1939/BTP-BTTP về một số nội dung liên quan đến công chứng gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có hướng dẫn việc từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng.
Căn cứ vào quy định của các văn bản pháp luật nêu trên thì UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện là hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Công chứng, Thông tư số 03/2008/TT-BTP và sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
Thứ hai: Về việc Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu chuyển giao các hợp đồng, giao dịch đối với các huyện, xã mới có tổ chức hành nghề công chứng thành lập, được hướng dẫn như sau:
Tại Điểm 8 Thông tư số 03/2008/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã quy định rõ:
“Để tạo điều kiện cho Phòng Tư pháp cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã tập trung thực hiện tốt công tác chứng thực bản sao, chữ ký theo quy định của Nghị định số 79, đồng thời từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương; căn cứ vào tình hình phát triển của tổ chức hành nghề công chứng để quyết định giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện; trong trường hợp trên địa bàn huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì người tham gia hợp đồng, giao dịch được lựa chọn công chứng của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật".
Do vậy, đối với địa bàn các huyện đã có tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở hoạt động thì Sở Tư pháp cần sớm tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện để tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức theo đúng tinh thần tại Điểm 8 Thông tư số 03/2008/TT-BTP. Việc chuyển giao công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch phải kết hợp chặt chẽ với việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo nguyên tắc: tổ chức hành nghề công chứng phát triển đến đâu, thực hiện việc chuyển giao thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch đến đó. Đồng thời, đẩy mạnh việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo một quy hoạch hợp lý để thực hiện việc chuyển giao.
Thứ ba: Vấn đề ban hành quyết định công bố Bộ thủ tục hành chính tại địa phương có liên quan đến việc chuyển giao các hợp đồng, giao dịch từ Uỷ ban nhân dân sang cho tổ chức hành nghề công chứng, được hướng dẫn như sau:
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương tiến hành ban hành Quyết định công bố Bộ thủ tục hành chính. Do vậy, việc UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố Bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại cấp huyện, cấp xã là thực hiện đúng tinh thần Đề án 30 của Chính phủ.
Tuy nhiên, đây là Bộ thủ tục hành chính dùng để áp dụng chung trên địa bàn tỉnh trong điều kiện có nơi đã thực hiện việc chuyển giao, có nơi chưa thực hiện việc chuyển giao.
Do vậy, Sở Tư pháp cần tham mưu cho UBND cấp tỉnh hướng dẫn các cơ quan chức năng áp dụng Bộ thủ tục hành chính chung theo hướng: Đối với địa bàn các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh mà UBND tỉnh đã có quyết định chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, thì UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi đó sẽ không thực hiện việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch.
Trên đây là một số vấn đề hướng dẫn liên quan đến việc chuyển giao hợp đồng, giao dịch từ Uỷ ban nhân dân sang cho các tổ chức hành nghề công chứng, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
PT