Công văn trả lời, hướng dẫn về việc chuyển giao chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng

10/09/2009
Trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều địa phương thực hiện việc chuyển giao các hợp đồng, giao dịch sang cho tổ chức hành nghề công chứng nhưng vẫn có địa phương còn thấy khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Do vậy, chúng tôi xin giới thiệu một số vấn đề trong nội dung a href="http://www.moj.gov.vn/webfile/download.php?sub_dir=/TrungDung/CV/2009/&file=CV3188.doc"Công văn số 3188/BTP-BTTP/a ngày 8 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tư pháp trả lời, hướng dẫn Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An về việc chuyển giao chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng, thông qua đó để hướng dẫn và trả lời chung cho một số địa phương còn băn khoăn trong vấn đề này.

1. Có ý kiến cho rằng việc chuyển giao thẩm quyền nói trên không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, không tạo thuận lợi cho dân, dân phải đi xa hơn khi chứng nhận các hợp đồng, giao dịch. 

Luật đất đai 2003, Luật nhà ở 2005 quy định một số hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở phải có công chứng hoặc chứng thực. Những quy định này là phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ khi chưa có chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, số lượng các Phòng công chứng còn rất hạn chế, hoạt động quá tải chưa đảm đương được việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch. Luật công chứng 2006 đã tách bạch công chứng với chứng thực, theo đó tổ chức hành nghề công chứng thực hiện chứng nhận hợp đồng, giao dịch còn việc chứng thực do cơ quan hành chính (UBND) thực hiện. Hệ thống tổ chức hành nghề công chứng đã và đang phát triển mạnh, đặc biệt là chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần của Luật công chứng đã tạo điều kiện cho sự ra đời các Văn phòng công chứng ở các địa phương. Trong bối cảnh đó, việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật công chứng.    

Trong phạm vi thẩm quyền theo quy định, Sở Tư pháp cần phối hợp với các sở, ban ngành trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để các cá nhân, tổ chức hiểu rõ về tinh thần của Luật công chứng và chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc chuyển giao nói trên, cần làm cho các cá nhân, tổ chức nhận thức rõ ràng rằng chủ trương tách bạch công chứng với chứng thực là để Ủy ban nhân dân, các Phòng tư pháp tập trung thực hiện tốt công tác chứng thực và các giao dịch, hợp đồng phải được chứng nhận tại các tổ chức hành nghề công chứng với đội ngũ công chứng viên được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân trong giao dịch, phòng ngừa rủi ro, hạn chế tranh chấp xảy ra, vì chứng thực chỉ chứng nhận về hình thức, còn công chứng là chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Việc tách bạch công chứng với chứng thực là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo môi trường giao dịch công khai, minh bạch để thu hút đầu tư nước ngoài. 

2. Về đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch và về phí công chứng, lệ phí chứng thực. 

Bộ Tư pháp đồng ý với những đề xuất nói trên và thấy rằng đây là những đề xuất có cơ sở và phù hợp với việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng.  

- Đối với các quy định liên quan đến chứng thực hợp đồng, giao dịch trong Luật đất đai, Luật nhà ở, Bộ Tư pháp đang và sẽ tiếp tục rà soát để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật công chứng.  

- Về Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. 

- Về lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.  

- Về Đề án quy hoạch tổng thể phát triển nghề công chứng đến năm 2020: Căn cứ Chương trình công tác năm 2009 của Chính phủ, Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án nói trên để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Trên đây là một số vấn đề trong nội dung của Công văn nêu trên. Việc thực hiện khoản 8 Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp; Công văn số 978/BTP-HCTP ngày 2/4/2009 gửi các Sở Tư pháp; Công văn số 1939/BTP-BTTP ngày 18/6/2009 gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Bộ Tư pháp, trong đó có nội dung về việc chuyển giao các hợp đồng, giao dịch từ Uỷ ban nhân dân sang cho các tổ chức hành nghề công chứng,  tính đến ngày 10/9/2009 đã có: 

 28 tỉnh có quyết định chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng; 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định; 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang nghiên cứu và chưa có đề án để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Sau một thời gian thực hiện quyết định chuyển giao hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng nhiều địa phương đã có báo cáo thu được một số kết quả nhất định như: các cá nhân, tổ chức nhận thấy được sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch khi tham gia giao kết hợp đồng; tính chuyên nghiệp trong việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. 

Có thể nhận thấy, các địa phương đang từng bước thực hiện theo đúng tinh thần của Luật công chứng.

PT