Ngày 25/8/2009, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Tư pháp và THADS tỉnh Quảng Bình về công tác tổ chức, cán bộ. Tham dự về phía tỉnh có đại diện BTC Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Nội vụ.
Thay mặt Sở Tư pháp, đồng chí Trương Quang Thêm, GĐ Sở đã báo cáo với Bộ trưởng những công việc Sở đã triển khai để kiện toàn tổ chức, cán bộ cơ quan tư pháp địa phương theo Công văn số 60-CV/BCS ngày 10/6/2009 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Sở đã tham mưu cho Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Công văn số 572-CV/TU ngày 12/8/2009 về việc thực hiện nội dung Công văn số 60. Tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các cơ quan tư pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở. Xây dựng và trình UBND tỉnh Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp cấp huyện và đội ngũ cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã và Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy và ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp. Tổng kết việc thực hiện uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Giám đốc sở Tư pháp trong việc quản lý một số mặt công tác về tổ chức cán bộ THADS. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Phương án chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của Phòng Công chứng số 1; xây dựng Đề án thành lập Phòng công chứng số 2, Đề án phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh…
Về công tác THA, tỉnh đã tiến hành đồng bộ các công việc theo Kế hoạch của Bộ về triển khai thực hiện Luật THADS và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật THADS. Cơ quan THADS tỉnh đã xây dựng Đề án quy hoạch phát triển ngành Thi hành án tỉnh, trình Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Cục THADS (Bộ Tư pháp) xem xét. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác THADS trên địa bàn tỉnh. Tiến hành rà soát, kiện toàn tổ chức cán bộ các cơ quan THADS; thực hiện lấy phiếu tín nhiệm quy hoạch cán bộ lãnh đạo của cơ quan THADS tỉnh; tuyển dụng, điều động, luân chuyển một số vị trí công tác của cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền…
Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng công tác tổ chức, cán bộ của ngành Tư pháp Quảng Bình thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, như: số lượng cán bộ các cơ quan tư pháp và thi hành án còn ít, một số nơi thiếu trầm trọng (như Thi hành án dân sự các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch); chất lượng đội ngũ cán bộ tuy đã đảm bảo đúng tiêu chuẩn chức danh, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ thì còn nhiều bất cập; cán bộ tư pháp cơ sở chưa được chuẩn hoá về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; công tác luân chuyển; tăng cường, điều động cán bộ còn nhiều hạn chế; chế độ, chính sách đối với cán bộ tư pháp chưa thu hút được người có trình độ cao vào làm việc cho Ngành; công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy của Ngành theo Thông tư liên tịch số 01 còn triển khai chậm; cơ sở vật chất của cơ quan THADS còn nghèo nàn, chậm được tăng cường, toàn tỉnh chưa có kho tang vật nào được xây dựng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường biểu dương những nỗ lực kiện toàn công tác tổ chức, cán bộ của ngành Tư pháp tỉnh Quảng Bình thời gian vừa qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục. Bộ trưởng nhấn mạnh: từ năm 2010 trở đi, nhiệm vụ của ngành Tư pháp sẽ hết sức nặng nề, nếu không có sự chuẩn bị tốt về bộ máy và nhân sự các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến cơ sở thì sẽ không đảm đương nổi. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng chỉ đạo thời gian tới ngành Tư pháp Quảng Bình phải tiếp tục tiến hành một số công việc sau: tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh sớm bổ sung 01 Phó GĐ Sở Tư pháp, đồng thời, phân công rõ nhiệm vụ của Ban Giám đốc Sở và phối hợp chỉ đạo, triển khai kịp thời, đồng bộ các mặt công tác của Ngành tại địa phương; xem xét tách hoặc thành lập thêm một số phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới; sớm phê duyệt và triển khai Đề án thành lập Phòng Công chứng số 2 trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, nhất là bán đấu giá tài sản công; tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế các Phòng Tư pháp cấp huyện, phấn đấu mỗi huyện có từ 5 đến 7 cán bộ tư pháp. Đối với đội ngũ cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã, phường, thị trấn, cần tiếp tục rà soát, tổ chức đào tạo, chuẩn hoá trình độ chuyên môn, bố trí đủ biên chế theo đúng tinh thần Thông tư liên tịch số 01, điều quan trọng là phải bố trí đúng người, đúng việc, có chất lượng.
Về công tác THA, Bộ trưởng chỉ đạo THADS tỉnh phải rà soát, quy hoạch cán bộ lãnh đạo và đội ngũ chấp hành viên thi hành án các cấp trên địa bàn tỉnh, gắn với đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, bố trí, sắp xếp, luân chuyển một cách hợp lý; tiếp tục rà soát, phối hợp với Toà án và VKSND tỉnh làm thủ tục đề nghị miễn thi hành các khoản thu cho ngân sách có giá trị không quá 500.000 đồng mà thời gian thi hành đã quá 5 năm tính đến thời điểm Luật THADS có hiệu lực và người phải thi hành không có điều kiện thi hành; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức ra mắt và triển khai hoạt động của cơ quan THADS theo ngành dọc, nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Bộ trưởng cũng đề nghị Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp, thi hành án của tỉnh, trong đó có công tác tổ chức, cán bộ. Trước mắt, chỉ đạo Sở Tư pháp và UBND các huyện tiếp tục thực hiện tốt Công văn số 60 của BCS Đảng Bộ Tư pháp và Công văn số 572-CV/TU của Thường vụ Tỉnh uỷ, chậm nhất đến tháng 10/2009 phải ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp cấp huyện; phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn y cán bộ lãnh đạo cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện để có thể ra mắt cơ quan THADS sau khi Nghị định của Chính phủ được ban hành.
Đình Vinh (Văn phòng Bộ)