Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ: Quyết liệt, tích cực và chủ động hơn trong tổ chức, thực hiện các chính sách kích thích kinh tế

11/08/2009
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2009 vừa ban hành ngày 07/8/2009, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết liên quan đến các vấn đề thiết yếu như kích thích kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tiêu thụ nông thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, cải cách thủ tục hành chính... Cụ thể như sau:

1. Chính phủ đã thông qua các báo cáo: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2009, diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, tình hình triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế; dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 7/2009; công tác cải cách hành chính tháng 7/2009; tình hình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 6 năm 2009 và chương trình công tác của Chính phủ tháng 7/2009.

Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Kiên trì bám sát mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Quốc hội khoá XII, Kỳ họp thứ 5, quyết liệt, tích cực và chủ động hơn nữa trong tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Ngay sau phiên họp này, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tổ chức họp đánh giá toàn diện công tác điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua, tổng kết những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô thời kỳ sau suy giảm, trình Thủ tướng Chính phủ. 

- Tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA thuộc các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, nông thôn..., đặc biệt chú trọng bảo đảm chất lượng các công trình, dự án.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo đảm việc tiêu thụ nông, thuỷ sản, cung cấp đủ nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cho nông dân; chủ động phòng chống thiên tai, lũ lụt; phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi lây lan trên diện rộng; triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, khắc phục nhanh hơn tình trạng dư lượng kháng sinh, hoá chất vượt mức cho phép trong sản xuất, chế biến, lưu thông nông sản, thực phẩm; có giải pháp tổ chức, quản lý hoạt động giết mổ gia súc, đặc biệt là giết mổ lợn, ở các đô thị lớn; chỉ đạo quyết liệt công tác bảo vệ rừng, tăng cường lực lượng, bộ máy để đấu tranh có hiệu quả với nạn phá rừng; Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị quốc phòng phối hợp với các lực lượng kiểm lâm trên địa bàn để gìn giữ, bảo vệ các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

- Bộ Công Thương tổ chức phối hợp đồng bộ, có hiệu quả hoạt động của các cơ quan Chính phủ, các hiệp hội, doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại và khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng phát triển thị trường trong nước nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá sản xuất trong nước, nhất là lúa gạo, nông, thuỷ sản của nông dân; phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thương phẩm, thực phẩm.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện nghèo; khuyến khích, động viên và tạo cơ chế để các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, giúp đỡ phát triển các huyện nghèo; khẩn trương hoàn chỉnh đề án điều chỉnh chuẩn nghèo để trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2009.

- Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo phòng, chống và kiểm soát có hiệu quả dịch cúm A(H1N1), dịch sốt xuất huyết, có phương án xử lý phù hợp, tránh gây hoang mang trong cộng đồng, bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc men và các dụng cụ phòng ngừa dịch bệnh; chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến người dân cách thức chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm A(H1N1), bình tĩnh xử lý khi phát hiện nhiễm dịch bệnh; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch ngân sách nhà nước bảo đảm việc khám, mổ và điều trị các trường hợp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, không có khả năng chi trả.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo xử lý có hiệu quả nước thải ở các khu công nghiệp; rác thải, nước thải ở các cơ sở y tế và rác thải sinh hoạt ở các đô thị, nơi đông dân cư.

- Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật các vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, tập trung đông người, gây bức xúc trong xã hội.

- Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương công bố bộ thủ tục hành chính theo tinh thần của Đề án đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước để người dân, các tổ chức, doanh nghiệp biết và thực hiện; tập trung cải cách ngay các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: hải quan, thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đầu tư và xây dựng cơ bản...

- Các địa phương chú trọng công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng và giữ vững ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn; duy trì tuần tra, xử lý và bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để người dân hiểu biết chính sách dân tộc, tôn giáo của Nhà nước và tự giác thực hiện theo pháp luật; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và các hoạt động tôn giáo chính đáng của người dân; kiên quyết xử lý đúng pháp luật các hành vi gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.  

- Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí nêu cao trách nhiệm xã hội, đưa tin trung thực, chính xác, tránh đưa những thông tin gây bất lợi cho đất nước, cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

- Các Bộ, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo việc triển khai thực hiện các công việc, nhiệm vụ đã nêu trong Báo cáo Kiểm điểm chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2009 và Chương trình công tác 6 tháng cuối năm của Chính phủ; xây dựng và sớm trình Chính phủ các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và chuẩn bị có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010, nhằm đưa các luật, pháp lệnh đi vào cuộc sống; khẩn trương triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của bộ, ngành, địa phương, cụ thể hoá các kế hoạch đầu tư, kế hoạch huy động vốn để chủ động chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm 2010.

 2. Tháng 8/2009, sẽ ban hành Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước

Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.

Cho đến nay, trong hệ thống pháp luật chỉ có Luật Doanh nghiệp có quy định một điều về tập đoàn kinh tế (điều 149); Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 hướng dẫn thêm về khái niệm và đặt tên doanh nghiệp trong tập đoàn. Tuy nhiên, các văn bản này chỉ quy định rất chung về tập đoàn kinh tế áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, mà chưa có quy định về tập đoàn kinh tế nhà nước, nhất là những quy định thay thế cho Luật Doanh nghiệp Nhà nước để quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước sau khi Luật này hết hiệu lực vào ngày 01/7/2010. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế, cần thiết phải ban hành nghị định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thí điểm thành lập và quản lý hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trong các ngành, lĩnh vực then chốt, cần phát triển.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành trong tháng 8/2009.

3. Ý kiến về các dự án luật sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Chính phủ đã thảo luận các dự án Luật Thuế tài nguyên; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Nuôi con nuôi; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Tiếp cận thông tin do Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về các dự án luật trên.

- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Thuế tài nguyên; Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

- Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Nuôi con nuôi; Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

- Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

- Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

- Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Tiếp cận thông tin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định việc trình Bộ Chính trị cho ý kiến, trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này./.

L.H