Ngày 09/7/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành a href="http://www.moj.gov.vn/webfile/download.php?sub_dir=/huyennt/&file=Quyet+dinh+so+1747.doc" Quyết định số 1747/QĐ-BTP/a quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tư pháp. Sau đây là một số nội dung cơ bản của Quyết định này:
1. Về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn:
Thanh tra Bộ Tư pháp là đơn vị thuộc Bộ, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật. Các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Thanh tra Bộ được quy định tại Điều 2 Quyết định số 1747/QĐ-BTP.
2. Về cơ cấu tổ chức:
Thanh tra Bộ gồm có Chánh Thanh tra, không quá 3 Phó Chánh Thanh tra và 4 phòng chuyên môn, nghiệp vụ, đó là:
- Phòng Tổng hợp - Hành chính;
- Phòng Tiếp công dân và Xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo;
- Phòng Thanh tra hành chính;
- Phòng Thanh tra chuyên ngành.
3. Về trách nhiệm và mối quan hệ công tác:
Ngoài các quy định chung về trách nhiệm và mối quan hệ công tác của Thanh tra Bộ với Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Quyết định số 1747/QĐ-BTP còn quy định một số mối quan hệ công tác đặc thù xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ như: tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; đồng thời, cũng quy định một số mối quan hệ công tác cụ thể khác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Tư pháp, bao gồm: Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Thanh tra Sở Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.
Quyết định số 1747/QĐ-BTP có hiệu lực kể từ ngày 09/7/2009.
Nguyễn Ngọc Vũ - Vụ Tổ chức cán bộ.