Một số nội dung cơ bản của Thông tư Liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ

06/05/2009
Ngày 28/4/2009, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành a href="http://www.moj.gov.vn/webfile/download.php?sub_dir=/huyennt/THONG+TU/&file=Thong+Tu+lien+tich+01-2009-TTLT-BTP-BNV+ve+co+quan+tu++++++phap+dia+phuong.doc" Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV/a hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV).

Về cơ bản, nội dung của Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV ngày 05/5/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức các cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương, đồng thời có bổ sung, cụ thể hóa các quy định của Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008, Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định số 16/2009/NĐ-CP ngày 16/02/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và các văn bản pháp luật về tư pháp mới được ban hành. Dưới đây là một số nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV:

1. Về bố cục

Thông tư gồm 4 chương, 10 điều, cụ thể:

- Chương I: Sở Tư pháp (gồm 3 điều, từ Điều 1 đến Điều 3, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế Sở Tư pháp);

- Chương II: Phòng Tư pháp (gồm 3 điều, từ Điều 4 đến Điều 6, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế Phòng Tư pháp);

- Chương III: Công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã (gồm 2 điều, Điều 7 và Điều 8, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã và công chức Tư pháp - Hộ tịch);

- Chương IV: Tổ chức thực hiện (gồm 2 điều, Điều 9 và Điều 10).

2. Về chức năng

Chức năng của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và tư pháp, hộ tịch cấp xã trong Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV được quy định trên cơ sở kế thừa các quy định của Thông Tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV và bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

  3. Về nhiệm vụ, quyền hạn

  Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định trên cơ sở cụ thể hóa chức năng và các quy định hiện hành của pháp luật về công tác tư pháp. Theo đó, các nhóm nhiệm vụ về thi hành văn bản quy phạm pháp luật, thi hành án dân sự, công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, bán đấu giá tài sản...  có bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, như sau:

- Bổ sung nhiệm vụ về thi hành pháp luật cho cơ quan tư pháp địa phương theo quy định tại Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Nghị định số 93/2008/NĐ-CP.

- Sửa đổi quy định về quản lý và đăng ký hộ tịch của cơ quan tư pháp địa phương theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định về quản lý và đăng ký hộ tịch;

- Sửa đổi quy định về quản lý công chứng và chứng thực của cơ quan tư pháp địa phương theo quy định tại Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/7/2008 của Chính phủ quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;

- Sửa đổi nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, theo đó Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định của pháp luật; Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

  - Nhiệm vụ quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản, được quy định trên cơ sở Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/1/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Nghị định số 16/2009/NĐ-CP, theo đó Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản ở địa phương theo quy định của pháp luật.

4. Về cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp

Theo Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV, ngoài các đơn vị sự nghiệp, Sở Tư pháp có thể thành lập tối đa không quá 07 phòng (riêng đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập tối đa không quá 09 phòng) bao gồm cả Văn phòng và Thanh tra, để tham mưu, giúp Giám đốc Sở thực hiện các nhiệm vụ quản lý công tác tư pháp ở địa phương.

5. Về biên chế công chức Tư pháp - Hộ tịch

Các quy định về biên chế trong Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV, được quy định trên cơ sở Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 của Chính phủ về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước, đồng thời quy định rõ về việc bố trí thêm cán bộ Tư pháp - Hộ tịch trong việc  triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, cụ thể:

  "Đối với những xã, phường, thị trấn có khối lượng công việc lớn, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao".

  Việc ban hành Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV thay thế Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV, đã  góp phần tiếp tục hoàn thiện về thể chế về tổ chức hoạt động của ngành Tư pháp, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cán bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngành Tư pháp trong giai đoạn hiện nay./.

Trần Thị Hải - Vụ Tổ chức cán bộ