Tiếp nhận ý kiến góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước ngày 23/5

12/05/2025
Tiếp nhận ý kiến góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước ngày 23/5
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa ban hành Hướng dẫn về việc tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đối với Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Theo đó, theo Hướng dẫn, từ ngày 6 đến ngày 30/5, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên của Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, TP trực thuộc trung ương (gọi tắt là cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương) tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, bám sát các yêu cầu về đối tượng, hình thức lấy ý kiến, phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện tại Kế hoạch số 60/KH-MTTW-BTT ngày 6/5 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; trong đó tập trung góp ý vào các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9, Điều 10, khoản 1 Điều 84, Điều 110, khoản 2 Điều 111, khoản 2 Điều 112, khoản 1 Điều 114, khoản 2 Điều 115 Hiến pháp năm 2013, bám sát chủ trương và định hướng về phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Hướng dẫn nêu rõ, chậm nhất ngày 22/5, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên của Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, TP trực thuộc trung ương gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương mình về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (qua Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội) để tổng hợp chung.

Cách thức gửi báo cáo về Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội: Qua trục liên thông văn bản (hoặc qua đường công văn trong trường hợp không kết nối hoặc không thể gửi qua trục liên thông văn bản), đồng thời gửi file báo cáo (định dạng file word) và phụ lục kèm theo (định dạng file excel) về hòm thư điện tử theo địa chỉ bandcgspbxh@gmail.com.

Nội dung Hướng dẫn cũng đề cập tới việc đếm các ý kiến khi tổng hợp. Cụ thể, chỉ đếm các ý kiến từ các nguồn tổng hợp ý kiến bao gồm các ý kiến được thể hiện dưới hình thức văn bản (như thư, phiếu, báo cáo, văn bản góp ý và các dạng văn bản khác); các ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương các cấp; không đếm các ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm (biên bản hội nghị, hội thảo, tọa đàm là tài liệu tham khảo để cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương nghiên cứu và đưa ra quan điểm, ý kiến góp ý của mình).

Hướng dẫn cũng lưu ý không đếm ý kiến của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương (Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia góp ý bằng một trong các hình thức: Góp ý trên ứng dụng VNeID; góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội hoặc Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; gửi văn bản góp ý đến hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức thành viên của Mặt trận).

Trên cơ sở các ý kiến góp ý nhận được, các cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương thống kê cụ thể: Tổng số lượng ý kiến nhận được; đồng thời phân loại số lượng ý kiến của cơ quan, tổ chức và số lượng ý kiến của cá nhân.

Đối với việc xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến, Hướng dẫn cũng nêu rõ, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, TP trực thuộc trung ương xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến và Phụ lục.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quan tâm thực hiện.
Minh Khôi