Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Không thể “luật thông thoáng, lệ làng lại phức tạp”

19/03/2009
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Không thể “luật thông thoáng, lệ làng lại phức tạp”
“Giám đốc Sở Tư pháp phải tham mưu cho Tỉnh ủy, Thường trực Ủy ban và Chủ tịch tỉnh để kiện toàn về cán bộ THA cấp tỉnh và THA cấp huyện; Đề nghị Chủ tịch tỉnh quan tâm chỉ đạo tổng kết, bàn giao, rà soát và lên danh sách để chuyển sang tòa án xóa các khoản THA cho ngân sách Nhà nước mà từ 500 ngàn đồng trở xuống (từ 1/7/2004 trở về trước)” – Bộ trưởng phát biểu trước lãnh đạo tỉnh, cán bộ, công chức tư pháp và THADS tỉnh Trà Vinh tại buổi làm việc chiều ngày 18/3/2009.

Sau khi nghe Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh trình bày kết quả công tác tư pháp và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: “Công tác tư pháp và thi hành án dân sự (THA) Trà Vinh được triển khai khá toàn diện trên cơ sở bám sát nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Điều đáng mừng là Trà Vinh thuộc tính khó khăn, dân số hơn 1 triệu, cơ cấu dân tộc, địa lý khá đặc biệt, kể cả phát triển kinh tế cũng còn khó khăn, thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ hơn 300 tỷ đồng. Nhưng thu hút được đội ngũ từ cấp tỉnh đến cấp xã, đặc biệt là cấp huyện gần 100% có trình độ học vấn cử nhân. THA thì đang xin thêm biên chế, chứng tỏ cũng thu hút, tận dụng được người tài – là điều phấn khởi. Có nhiều điểm sáng, như thông qua các tôn giáo xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên là những “Tăng ni- Phật tử”, làm cho pháp luật đi vào tôn giáo; thứ đến, là mối quan hệ giữa tư pháp và THA, dù chỉ còn 3 tháng nữa là THA và Sở Tư pháp “chia tay” nhưng Giám đốc Sở vẫn trăn trở, gửi nhiều kiến nghị với đoàn công tác cho THA chứ không phải cho tư pháp – thể hiện trách nhiệm lãnh đạo Sở đối với công tác THA của tỉnh nhà.

          Theo Bộ trưởng, công tác tư pháp đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tại Hội nghị triển khai công tác 2009 của Bộ, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và có bài phát biểu quan trọng mà Bộ đã gửi các đại phương để quán triệt thực hiện. Kế đó, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đã ký thông báo gồm 5 điểm kết luận của Thủ tướng về công tác tư pháp năm 2009 và những năm tiếp theo. Trong đó nhấn mạnh việc tổ chức bộ máy từ trung ương đến cấp xã, kể cả công tác đào tạo cán bộ tư pháp. Chúng ta có thể vui mừng và tự hào rằng, công tác tư pháp ngày càng cần thiết hơn cho đất nước, nhân dân, cho Đảng, Quốc hội, người dân, cả xã hội cũng không ngoại lệ và khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt.        

Trọng tâm công tác tư pháp mà Chính phủ quan tâm, đó là câu chuyện về văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống pháp luật Việt Nam đang rất phức tạp, nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ cấp cao nhất là Quốc hội đến UBND xã ban hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng đang là vấn đề nổi cộm. Vì vậy, nhiệm vụ “gác cổng” của Bộ đối với Quốc hội, Chính phủ; của Sở Tư pháp đối với HĐND, UBND tỉnh; của Phòng Tư pháp đối với HĐND, UBND huyện là vô cùng quan trọng. Trong khi, ngành tư pháp đã được trao đầy đủ quyền lực trong lĩnh vực này, từ tham mưu xây dựng chương trình đến soạn thảo, thẩm định, kiểm tra sau và tham mưu xử lý những sai phạm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

          Có thể nói, cái mới nhất Chính phủ giao cơ quan tư pháp là giúp Chính phủ, UBND các cấp quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật trên toàn quốc – điều đó cho thấy Chính phủ tin tưởng và trao thêm nhiệm vụ cho tư pháp trong lĩnh vực ban hành và thi hành các văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, không thể để tình trạng “luật thông thoáng mà lệ làng lại phức tạp”, luật không đến được với làng thì rất nguy hiểm; Không thể để tình trạng pháp luật ban hành rồi “cái nọ đá cái kia, cái nọ vô hiệu hóa cái kia”... Bên cạnh đó, lĩnh vực hành chính tư pháp với khối công việc cực lớn, phức tạp, khó khăn. Trong đó, riêng hộ tịch thôi đã gắn với con người từ khi sinh đến khi tử; gắn chặt với quản lý kinh tế, vấn đề trật tự, an ninh... Song, quản lý chung về vấn đề này ở cả nước hiện bất cập. Đó là chưa nói tới đây ngành tư pháp sẽ quản lý cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp của người dân, từ khi bản án tuyên có hiệu lực pháp luật thì bất kỳ tội phạm nào đều phải ghi vào hồ sơ án tích, cho đến diễn biến quá trình THA như thế nào, cả dân sự, hình sự và cho đến khi cấp cho công dân lý lịch tư pháp...

Bộ trưởng thẳng thắn: “Công tác chứng thực ở cấp xã, huyện tại Trà Vinh còn nhiều sai sót. Hai lĩnh vực quan trọng: Hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp mà Trà Vinh chỉ có một phòng chuyên môn võn vẹn 4 người, làm sao quản lý được địa bàn với 8 đầu mối hành chính và hơn một trăm đầu mối cấp xã. Tương tự, đối với bổ trợ tư pháp, công chứng là vấn đề lớn. Đặc biệt là tham mưu cho UBND tỉnh làm sao để chuyển tất cả mọi giao dịch, hợp đồng bất động sản (nhà cửa, côn trình xây dựng...) sang cho hoạt động công chứng thay vì chứng thực thì Trà Vinh chưa làm được, dù Bộ đã hướng dẫn. Làm việc này chính để bảo vệ người dân, ngân hàng, các bên giao dịch nhằm bảo đảm cho sự an toàn, ngăn ngừa tiềm ẩn yếu tố bất ổn định khi tranh chấp xảy ra. bởi, công chứng nội dung chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, còn chứng thực chỉ là hình thức”.

Phong Trần