Phân công soạn thảo VB quy định chi tiết thi hành Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8

20/12/2024
Phân công soạn thảo VB quy định chi tiết thi hành Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Trong đó, Phó Thủ tướng phân công các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo, ban hành 130 văn bản quy định chi tiết thi hành 20 luật, nghị quyết. Cụ thể:
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam: 09 văn bản (04 nghị định, 05 thông tư) do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì soạn thảo, ban hành.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính: 15 văn bản (13 nghị định, 02 thông tư) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, ban hành.
3. Luật Đầu tư công (sửa đổi): 02 văn bản (02 nghị định) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, ban hành.
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu: 08 văn bản (07 nghị định, 01 thông tư) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, ban hành.
5. Luật Điện lực (sửa đổi): 29 văn bản (07 nghị định, 02 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 20 thông tư) do Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, ban hành.
6. Luật Công chứng (sửa đổi): 03 văn bản (01 nghị định, 02 thông tư) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.
7. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): 16 văn bản (07 nghị định; 09 thông tư) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo, ban hành.
8. Luật Dữ liệu: 04 văn bản (03 nghị định; 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, ban hành.
9. Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: 05 văn bản (01 nghị định; 04 thông tư) do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo, ban hành.
10. Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): 01 văn bản (01 nghị định) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo.
11. Luật Phòng không nhân dân: 06 văn bản (02 nghị định; 04 thông tư) do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì soạn thảo, ban hành.
12. Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: 05 văn bản (02 nghị định; 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 02 thông tư) do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, ban hành.
13. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế: 06 văn bản (03 nghị định; 03 thông tư) do Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo, ban hành.
14. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược: 08 văn bản (01 nghị định; 07 thông tư) do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, ban hành.
15. Luật Địa chất và khoáng sản: 06 văn bản (02 nghị định; 04 thông tư) do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, ban hành.
16. Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi): 02 văn bản (01 nghị định; 01 thông tư) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, ban hành.
17. Luật Công đoàn (sửa đổi): 02 văn bản (02 nghị định) do Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo, ban hành.
18. Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất: 01 văn bản (01 nghị định) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, ban hành.
19. Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa: 01 văn bản (01 nghị định) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, ban hành.
20. Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng: 01 văn bản (01 nghị định) do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, ban hành.
Hiện nay, các bộ được giao chủ trì soạn thảo đang tiến hành triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số bộ, cơ quang bộ đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập và bước đầu dự thảo văn bản quy định chi tiết với quyết tâm cao nhằm bảo đảm về tiến độ và chất lượng của văn bản.
Trong đó, đặc biệt lưu ý có 63 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết hoặc nội dung giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực từ rất sớm (01/12/2024, 01/01/2025, 15/01/2025, 01/02/2025).
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm đầy đủ nội dung giao quy định chi tiết, đúng thẩm quyền và thời hạn ban hành văn bản để có hiệu lực đồng thời với luật, nghị quyết hoặc nội dung giao quy định chi tiết. Trường hợp cần thay đổi, bổ sung đề xuất thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Lãnh đạo Chính phủ phụ trách ngành, lĩnh vực xem xét, quyết định.
Đồng thời, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết có trách nhiệm: (1) Trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết theo Quyết định này; (2) Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản để xảy ra tình trạng chậm ban hành hoặc ban hành văn bản không đảm bảo chất lượng và (3) Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực về khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo và đề xuất biện pháp xử lý.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao trong việc rà soát, đề xuất các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, đưa vào Kế hoạch triển khai thi hành Luật, bảo đảm đầy đủ nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết và thời hạn ban hành văn bản để có hiệu lực đồng thời với Luật.
Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành rà soát các văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, bảo đảm sự phù hợp và kịp thời triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.