Từ tháng 3/2009: Công chứng được giao cho Bổ trợ tư pháp

02/03/2009
Từ tháng 3/2009:  Công chứng được giao cho Bổ trợ tư pháp
Ngày 28/2, dưới sự chứng kiến của các Thứ trưởng: Hoàng Thế Liên, Định Trung Tụng, Nguyễn Đức Chính, lãnh đạo của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cùng đông đảo công chức của hai Vụ chuyên môn, Lễ bàn giao công chứng từ Vụ Hành chính tư pháp cho Vụ Bổ trợ Tư pháp đã diễn ra.

Báo cáo tình hình công chứng trước lãnh đạo Bộ Tư pháp, ông Trần Thất- Vụ trưởng Vụ hành chính tư pháp cho biết: Từ khi Luật Công chứng có hiệu lực đến nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 48 công chứng viên cho các Phòng Công chứng, nâng số công chứng viên trong cả nước lên 407 người. Hiện tại cả nước có 129 Phòng công chứng, trong đó nhiều nhất là Hà Nội có 9 phòng, TP. Hồ Chí Minh có 7 phòng, Hải phòng 5 phòng…Trong số 129 phòng công chứng thì có 19 phòng có từ 5 đến 9 công chứng viên; 105 phòng có từ 2 đến 4 công chứng viên, 6 phòng có một công chứng viên Về chuyên môn, hoạt động của các Phòng công chứng cơ bản ổn định, mặc dù một số nơi lượng việc giảm đáng kể (do trước đây còn làm bản sao – PV).

Đối với các Văn phòng công chứng, đến nay đã có 56 văn phòng (trong đó nhiều nhất là Hà Nội 38 văn phòng, TP Hồ Chí Minh 8 văn phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu 3, còn lại một số địa phương có 1 văn phòng), với tổng số 101 công chứng viên. Mặc dù mới thành lập song nhìn chung số lượng hợp đồng giao dịch của các văn phòng công chứng có xu hướng tăng nhưng không đồng đều (có văn phòng mỗi ngày thực hiện 15-20 hợp đồng nhưng có văn phòng chỉ 5 hợp đồng/ngày)

Phát biểu tại Lễ bàn giao, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đánh giá có hai việc lớn đã làm được từ khi Luật công chứng ra đời, đó là tách công chứng khỏi chứng thực (hai loại việc này tính chất khác hẳn nhau), gắn liền với nó là phân biệt thẩm quyền của cơ quan thực hiện, tạo cơ sở để hoạt động này đi vào chuyên nghiệp, giải tỏa cho các phòng công chứng, và cái được lớn nhất là thuận lợi cho người dân. Cái được thứ hai là từng bước xã hội hóa hoạt động công chứng bằng việc cho phép thành lập các văn phòng công chứng, xác định công chứng là loại hình dịch vụ công, mục đích của công chứng là đảm bảo về mặt pháp lý cho các bên tham gia giao dịch.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đặc biệt lưu ý, là vấn đề quy hoạch công chứng còn đang rất lúng túng. Trong khi các văn phòng công chứng vẫn tiếp tục được thành lập, nếu nói chờ quy hoạch nghĩa là chúng ta “treo” nhu cầu xã hội. Việc quy hoạch phải thống nhất trên toàn quốc với 3 tiêu trí: quy mô dân số, lãnh thổ và điều kiện kinh tế từng vùng. Thứ trưởng nhấn mạnh: chúng ta không thể ngồi một chỗ để quy hoạch hành nghề công chứng mà phải tiến hành trên cơ sở khảo sát ở các địa phương, phải tổ chức hội thảo, tọa đàm để mọi người cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến. Một bức tranh toàn cảnh về công chứng chỉ thật “đẹp” khi chúng ta bảo đảm được vấn đề cốt yếu nhất là giải quyết nhu cầu cho dân. Thứ trưởng cũng tỏ rõ sự lo ngại khi mà hoạt động công chứng ngày càng phát triển thì việc quản lý trên phạm vi toàn quốc chỉ có 2 chuyên viên (vừa được bàn giao từ Vụ hành chính tư pháp sang cho Vụ Bổ trợ Tư pháp - PV). Thứ trưởng giao cho Vụ bổ trợ tư pháp cần xây dựng ngay một Đề án để củng cố về bộ máy và tổ chức để đảm bảo quản lý tốt hoạt động này.

Thu Hằng