Ngày 20/02/2009, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã có chuyến công tác tại Hà Giang. Cùng đi có Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Nguyễn Khái Hưng…Tại đây, Thứ trưởng đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2009 của Sở Tư pháp Hà Giang và làm việc với Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh…
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới với khoảng 90% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế, kinh tế chậm phát triển…nên có những khó khăn không nhỏ cho việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp của địa phương. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn này, ngành Tư pháp Hà Giang đã có nhiều cố gắng để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành tại địa phương, đặc biệt là công tác xây dựng và kiểm tra văn bản, thi hành án dân sự, trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật…Với những thành tích này, năm 2008, tập thể Sở Tư pháp và Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng III, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen…
Ghi nhận những kết quả công tác trong năm 2008 của Tư pháp Hà Giang tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2009, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh về những thành tích này, tư pháp Hà Giang đã đạt được trong hoàn cảnh điều kiện kinh tế xã hội của địa phương còn khó khăn và tình hình suy thoái kinh tế nói chung trong năm qua. Thứ trưởng vui mừng vì được biết rằng, tuy là một tỉnh có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn nhưng chỉ sau 15 năm tái lập tỉnh, Hà Giang đã có hệ thống cơ quan tư pháp đầy đủ theo yêu cầu tỉnh, huyện, xã. Phòng Tư pháp cấp huyện đã bố trí được hai biên chế trở lên, 100% số xã đều đã có Ban Tư pháp với 190/195 xã có cán bộ cán bộ tư pháp - hộ tịch chuyên trách. Số cán bộ này được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc
Nhấn mạnh về bài học kinh nghiệm, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng, đặc thù của công tác tư pháp là có rất nhiều “việc không tên” nhiệm vụ ngày càng nhiều. Nhưng Tư pháp Hà Giang đã xác định được những nhiệm vụ, công tác trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. (Ví dụ, chú trọng vào công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số…). Chính vì đã thể hiện rõ nét về hiệu quả công tác của mình nên tư pháp Hà Giang đã nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Từ sự quan tâm này, tư pháp Hà Giang tiếp tục có điều kiện để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Thứ trưởng đề nghị Sở Tư pháp Hà Giang tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ trên đây và cần phối hợp với các ban, ngành địa phương để phát huy được sức mạnh của ngành. Đặc biệt, để chứng minh vai trò của mình, ngành tư pháp cả nước nói chung và tư pháp Hà Giang nói riêng cần phải chủ động “tìm việc”, giành việc để làm và quan trọng là phải làm tốt việc ấy. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ tư pháp phải thật sự nỗ lực, cố gắng hết mình vì hiệu quả của công tác tư pháp khó có thể nhìn thấy ngay được.
Về việc phối hợp trong công tác thi hành án, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên lưu ý các cơ quan thi hành án dân sự, tuy sẽ được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ 1/7/2009 (khi Luật thi hành án có hiệu lực) thì cơ quan thi hành án vẫn phải gắn với hệ thống chính trị ở địa phương. Tuy ở vị trí mới nhưng cơ quan thi hành án vẫn phải phối hợp về chuyên môn, nghiệp vụ với hệ thống cơ quan tư pháp và các cơ quan ban, ngành khác để hoàn nhiệm vụ.
Được biết, thi hành án của Hà Giang trong năm 2008 đã thi hành xong 92% số việc và đạt hơn 80% số tiền phải thi hành. Văn bản, thủ tục về thi hành án ngày càng chặt chẽ hơn, khiếu nại về thi hành án đã giảm. Hiện, thi hành án dân sự của Hà Giang cũng đã sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai luật Thi hành án bắt đầu từ 1/7/2009…. Quan tâm đến các nội dung trên đây, trong buổi làm việc với Thi hành án dân sự Hà Giang, thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã rất cảm phục trước sự “bám trụ” của các chấp hành viên và cán bộ thi hành án nơi đây. Rất nhiều người đã phải xa gia đình, xa vợ con, chấp nhận cuộc sống tập thể để về Hà Giang hoặc về các huyện xa xôi công tác. Thứ trưởng đánh giá, “đây là một sự hy sinh rất lớn” và ghi nhận nhiều đề xuất của các cán bộ thi hành án Hà Giang để tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về thi hành án cũng như về chính sách, chế độ ưu đãi cho cán bộ thi hành án ở những nơi khó khăn.
Hữu Tuấn