Trả lời báo chí về trường hợp con một Bộ trưởng 9 lần đi đăng ký kết hôn mới xong mà Thủ tướng Phan Văn Khải vừa nêu trong hội nghị toàn quốc ngành tư pháp, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu cho biết, ông đã chỉ đạo Sở Tư pháp đi kiểm tra. Bộ trưởng Lưu cũng cho rằng, cán bộ tư pháp cần mặc "áo dân" để xuống các địa phương "vi hành".
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu. |
- Xin Bộ trưởng cho biết, tới đây, Bộ Tư pháp sẽ làm gì để tạo thuận lợi hơn cho người dân khi đăng ký hộ tịch, công chứng?
- Bây giờ các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn... có loại giấy tờ gì, ai giải quyết, thời gian bao nhiêu, lệ phí như thế nào là công khai cả. Thứ hai, như ở TP.HCM nói, một số thủ tục giấy tờ được đưa lên mạng. Ngay cả vấn đề đăng ký công chứng cũng cho xếp hàng lấy thẻ điện tử, tránh được hiện tượng vòng vo, cho ông này trước ông kia.
Thực ra, vấn đề bây giờ là tổ chức, thực hiện thế nào? Xem cán bộ trực tiếp làm việc đó có chấp hành nghiêm các quy định của Bộ hay không?
Tới đây, Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát lại thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng. Thủ tục nào thực sự không cần thiết thì bãi bỏ đi! Loại biểu mẫu hộ tịch, biểu mẫu công chứng mà phức tạp, thấy không cần thiết, nếu như bỏ đi không sao hết thì Bộ kiên quyết bỏ! Hiện nay tinh thần tôi chỉ đạo là như vậy!
Thời gian giải quyết công việc cũng rút ngắn lại cho dân, phân cấp xuống cho cán bộ tư pháp huyện (bây giờ thành lập lại theo Nghị định 102) và tư pháp xã, phường. Vấn đề là thái độ của người hành sự, thi hành nhiệm vụ có sách nhiễu hay không, có tạo ra những phiền nhiễu để vòi vĩnh hay không?
- Thủ tướng vừa nêu ra một thực tế: con của một Bộ trưởng đi đăng ký kết hôn 9 lần mới được, mà vẫn phải có cái gì lót tay, cháu Phó Thủ tướng đi khai sinh 7 lần mới xong?
- Tôi đã chỉ đạo Sở Tư pháp Hà Nội rà soát, kiểm tra lại việc Thủ tướng nói! Nếu như thực sự sai là phải xử lý rất nghiêm! Cũng có thể, người thi hành việc đó người ta không nắm được hết tất cả các thủ tục. Khi đưa hồ sơ, hôm bảo thiếu giấy này, hôm bảo thiếu giấy kia! Lẽ ra, người thành thạo, nắm chắc nghiệp vụ rồi thì phải hướng dẫn cho người dân. Có thể người ta đưa cái này, anh bảo thiếu cái kia, làm cho giải quyết công việc kéo dài, gây ra bực bội ức chế cho người dân. Chuyện đó không thể chấp nhận được!
- Những trường hợp Thủ tướng nêu ra liệu Bộ trưởng đã xác định được ở nơi nào cụ thể của Hà Nội?
- Bây giờ tôi đang giao cho Sở Tư pháp Hà Nội điều tra xác minh, làm rõ!
- Cũng có ý kiến cho rằng Bộ Tư pháp nên có đoàn đi ''vi hành'' xuống kiểm tra các địa phương, Bộ trưởng thấy sao?
- Đúng! Không nên mặc áo công chức đi mà nên mặc áo người dân, lấy tư cách người có việc đến những cơ quan đó thì lúc đó mới hiểu được thái độ phục vụ thực của cán bộ của mình dưới đó. Tôi nghĩ cách đó chúng ta nên làm, tăng cường đi kiểm tra!
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
(Tin từ VietNamNet )