Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Hoàn thiện thể chế để điều hành tốt hơn!

29/12/2008
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Hoàn thiện thể chế để điều hành tốt hơn!
Ngày 29/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2009, được tổ chức tại Hà Nội. Đến dự Hội nghị còn có các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp, đại diện các Bộ, Ban, ngành TƯ, Giám đốc các Sở Tư pháp, Trưởng THADS các địa phương.

Phải tăng chất lượng thẩm định của Bộ Tư pháp!

Thủ tướng đã đánh giá cao việc xây dựng thể chế và thi hành pháp luật trong năm qua, đặc biệt sự đóng góp tích cực của ngành Tư pháp. Nhờ đó tăng cường hiệu quả quản lý xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Năm 2008, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ soạn thảo 42 văn bản, đề án (trong đó có 7 dự án luật) trình Ban Bí thư, Ban Chủ đạo cải cách tư pháp TƯ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (18 văn bản được ban hành, đạt 80,95% so với kế hoạch, tăng 12,95% so với năm 2007. Đặc biệt, việc xây dựng và trình các dự án luật đạt 100% kế hoạch); 63 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp hoặc liên tịch ban hành (22 văn bản được ban hành, đạt 60,31% kế hoạch, tăng 17,76% so với năm 2007). Các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan tư pháp địa phương, các tổ chức pháp chế Bộ, ngành còn phải thực hiện một số lượng lớn các công việc liên quan đến việc xây dựng văn bản, đề án.

Bên cạnh đó, tiến độ thẩm định được đảm bảo, chất lượng từng bước nâng cao. Tính đến hết ngành 30/9/2008, Bộ đã tiến hành thẩm định xong 352 văn bản, đề án, 107 điều ước quốc tế ; tham gia góp ý 984 văn bản các loại do các Bộ, ngành gửi đến. Các cơ quan tư pháp địa phương đã giúp HĐND, UBND các cấp soạn thảo 2.174 văn bản qui phạm pháp luật, thẩm định 30.071 văn bản, góp ý kiến cho 8.422 văn bản.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế vẫn còn nhiều hạn chế. Thủ tướng nhấn mạnh, pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước, để người dân thực hiện các quyền của mình. Nhưng hiện nay, nhiều thủ tục hành chính rườm rà lại xuất phát từ chính các qui định của pháp luật. Vì thế, Bộ Tư pháp cần có những chuyển biến tích cực để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, chất lượng thẩm định để hạn chế phát hiện, loại bỏ, những thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà quản lý, người thực thi cũng như người dân.

Muốn vậy, theo Thủ tướng, Bộ Tư pháp phải tham gia ngay từ đầu quá trình soạn thảo dự án, văn bản pháp luật, phối hợp chặt chẽ hơn với các Bộ được giao nhiệm vụ soạn thảo dự án Luật để tăng chất lượng thẩm định, rút ngắn thời gian và đảm bảo tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ cũng phải chuyển văn bản dự án Luật cho Bộ Tư pháp thẩm định sớm hơn, không nên đợi đến lúc gần trình mới chuyển Bộ Tư pháp thẩm định, khiến nhiều văn bản khi trình không đạt yêu cầu, phải gác lại, làm ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả xây dựng pháp luật của Chính phủ.

Hơn nữa, Bộ Tư pháp phải bám sát Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua để đảm bảo xây dựng được hành lang pháp lý cần thiết, thích hợp, tránh đặt các nhà quản lý trước tình thế “không biết dựa vào văn bản pháp luật nào để xử lý” những vấn đề xã hội phát sinh. Bộ Tư pháp cũng phải theo dõi tình hình thi hành pháp luật, chủ động nắm bắt, đề xuất các giải pháp thích hợp, sửa đổi, bổ sung những qui định không còn phù hợp, vướng mắc trong thực tiễn thi hành cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi ban hành các văn bản qui phạm pháp luật, không để văn bản ban hành ra lại phải sửa, mất nhiều thời gian và lãng phí tiền của.

Chú trọng công tác xây dựng cán bộ

Đó là nhắc nhở của Thủ tướng đối với ngành tư pháp trong năm 2009 vì “ngành Tư pháp là “nòng cốt” để nâng cao năng lực về pháp luật cho cán bộ”. Công cuộc cải cách tư pháp đòi hỏi lực lượng cán bộ có trình độ, am hiểu về pháp luật. Thủ tướng đã đưa ra một ví dụ rất sinh động là “Luật sư mà còn cần phiên dịch thì không bao giờ cãi được ai”. Điều đó đặt ra cho ngành tư pháp một nhiệm vụ quan trọng là chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó lưu ý đến đội ngũ cán bộ pháp chế Bộ, ngành. Vì ở các Bộ, đội ngũ cán bộ pháp chế là lực lượng tham mưu cho lãnh đạo những quyết sách liên quan đến luật pháp. Trong khi đó, các Bộ chỉ có thể lo được về tổ chức, cơ chế hoạt động cho cán bộ pháp chế, còn vấn đề đào tạo, bồi dưỡng thì cần Bộ Tư pháp phải “gánh vác”. Tương tự, Bộ Tư pháp cũng phải quan tâm nâng cao chất lượng hơn nữa đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương để các Sở Tư pháp có thể tham mưu tốt cho UBND ban hành các văn bản có chất lượng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không chỉ đạt yêu cầu về quan điểm, lập trường mà còn phải đạt được yêu cầu về hiểu biểu pháp luật, có tâm huyết. Có đội ngũ cán bộ như vậy thì công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng thể chế, hiệu quả quản lý của Nhà nước mới được đảm bảo.

Thủ tướng cũng đã lưu ý ngành Tư pháp phải làm tốt hơn nữa công tác THADS, nhất là sau khi Luật THADS có hiệu lực. Tuy nhiên, mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi có một hành lang pháp lý đầy đủ (các văn bản hướng dẫn thi hành Luật THADS). Đối với việc tổ chức hệ thống cơ quan THADS, Thủ tướng cho rằng, không chỉ tổ chức hệ thống ngành dọc mà còn cần phát huy sự phối hợp với các cấp uỷ và chính quyền địa phương vì không hoạt động quản lý nào có thể phát huy hiệu quả nếu tách rời và thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương.

Thay mặt toàn thể cán bộ ngành tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã cảm ơn những chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng đối công tác tư pháp năm 2009. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định, các đại biểu tại Hội nghị sẽ cùng thảo luận để tìm ra những biện pháp khả thi, tạo đột phá, tạo đà cho sự phát triển của công tác tư pháp trong những năm tới, phấn đấu tích cực cho nền tư pháp “gần dân hơn, thân thiện với dân hơn”./.

(Hương Giang, ảnh Thành Trung)

_______________________________________

Các bài có liên quan: