Khai mạc Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc năm 2009

29/12/2008
Khai mạc Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc năm 2009
Hôm nay 29/12/2008, tại Hà Nội, Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc năm 2009 được khai mạc trọng thể. Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu tham dự đại diện cho ngành tư pháp trên toàn quốc sẽ cùng nhau nghiêm túc đánh giá một cách toàn diện, chính xác, khách quan công tác tư pháp năm 2008. Qua đó, ghi nhận và nhân rộng những cách làm mới, rút ra bài học để thực hiện thành công Kế hoạch công tác của ngành trong năm 2009.

Rực rỡ những “đoá hoa” tư pháp

            Nhìn chung, trong năm 2008, nhiều lĩnh vực công tác tư pháp đã đạt kết quả tốt, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Cụ thể, trong công tác xây dựng văn bản, đề án; thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, năm 2008, Bộ Tư pháp đã đạt 80,95% so với kế hoạch, tăng 12,95% so với năm 2007; riêng việc xây dựng và trình các dự án luật đạt 100% kế hoạch. Các đơn vị thuộc Bộ đã đạt 60,31%, tăng 17,76% so với năm 2007. Tiến độ thẩm định được bảo đảm, chất lượng thẩm định từng bước được nâng cao. Tại nhiều địa phương, Lãnh đạo HĐND, UBND đánh giá cao công tác thẩm định văn bản, đề án của cơ quan tư pháp. Điều đó phản ánh sự nỗ lực của toàn ngành trong việc phấn đấu trở thành "người gác cổng" tin cậy của chính quyền các cấp trong việc ban hành chính sách, pháp luật...

 Trong công tác thi hành án dân sự, mặc dù số việc phải thi hành tăng 15.950 việc so với cùng kỳ năm 2007, song nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá, nên công tác thi hành án dân sự trong toàn quốc đã đạt được những kết quả tích cực, kết quả thi hành án xong cả về việc và về tiền cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2007. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được thực hiện quyết liệt, tăng cường đối thoại, chú trọng công tác dân vận, giải quyết dứt điểm hoặc một bước cơ bản nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng kéo dài.

Thể chế về công tác hành chính tư pháp trong năm 2008 đã được tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi). Một loạt các văn bản hướng dẫn cũng được ban hành kịp thời như: Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Dự án Luật Lý lịch tư pháp cũng đã được trình Quốc hội cho ý kiến, dự kiến thông qua vào kỳ họp tới của Quốc hội.

Năm 2008, công tác bổ trợ tư pháp có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Đó là Đề án thành lập Tổ chức luật sư toàn quốc đã được triển khai thực hiện. Đề án đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 - 2010 đang được khẩn trương triển khai thực hiện... Bộ đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút các chuyên gia giỏi tham gia hoạt động giám định tư pháp...Để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp  đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan; chủ động đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Qua đó, hoạt động bán đấu giá tài sản ở nhiều địa phương đang từng bước đi vào ổn định và phát triển. Thể chế về hoạt động công chứng cũng được tiếp tục hoàn thiện. Các Phòng công chứng tiếp tục được kiện toàn tổ chức và hoạt động; hoạt động của các Văn phòng công chứng bước đầu mang lại những kết quả tích cực.

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đồng bộ, gắn việc tổ chức thực hiện pháp luật với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu về nội dung, đa dạng về hình thức. Xuất hiện nhiều cách làm hay đang được tổng kết để nhân rộng như: việc tổ chức "Phiên chợ pháp luật" ở Hà Giang, Lào Cai; "Giỏ sách pháp luật" ở Bình Dương; "Tổ hoà giải 5 tốt” ở Hà Nội; Đề án “Đem luật về làng” ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng...Công tác hoà giải ở cơ sở được các Sở Tư pháp và chính quyền cơ sở quan tâm tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải, tạo điều kiện cho hoà giải viên tại cơ sở hoà giải đúng pháp luật, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Hệ thống pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý tiếp tục được hoàn thiện. Công tác trợ giúp pháp lý ở nhiều địa phương đã được cấp uỷ, chính quyền quan tâm và chỉ đạo kịp thời hơn.

Trong năm 2008, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm có sự cải tiến, tạo điều kiện cho khách hàng tiết kiệm thời gian, bảo đảm được tính kịp thời của việc công khai hoá giao dịch và tra cứu thông tin. Số lượng vụ việc đã giải quyết trong toàn hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm cao hơn nhiều so với năm trước...

   

Nhìn thẳng vào khó khăn để vững bước

            Bên cạnh những thành công, thì cũng còn không ít khó khăn từ nội tại cũng như ngoại cảnh đã và đang cản trở bước tiến của ngành tư pháp. Khó khăn trước hết là ở yếu tố con người. Trong công tác văn bản quy phạm pháp luật, đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản còn mỏng về số lượng; kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức về các lĩnh vực chuyên môn ngoài chuyên ngành luật còn hạn chế. Trong công tác thi hành án, đội ngũ cán bộ, chấp hành viên còn thiếu về số lượng, trình độ năng lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tình trạng cán bộ thi hành án vi phạm kỷ luật nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp chưa giảm mạnh so với các năm trước. Trình độ cán bộ tư pháp địa phương, nhất là cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã còn nhiều hạn chế, tác phong làm việc còn quan liêu, máy móc, thiếu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở còn hạn chế về trình độ chuyên độ môn, chất lượng đội ngũ báo cáo viên chưa đồng đều...

Tiếp đến là các khó khăn có nguyên nhân từ cơ chế, thể chế pháp lý, điều kiện xã hội, môi trường làm việc, cơ sở vật chất... chưa thuận lợi. Cụ thể, hiện nay, vì xu thế phát triển, một số dự án luật đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều Bộ, ngành...Trong khi đó, một số Bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL...Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ thi hành án còn nhiều bất cập, trong khi thi hành án là loại việc phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức trong tác nghiệp, vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sự yên tâm, lòng nhiệt tình công tác của cán bộ thi hành án. Cơ sở vật chất của cơ quan Thi hành án dân sự còn nghèo nàn, chưa tương xứng với các cơ quan tư pháp ở địa phương; kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động; việc xây dựng kho vật chứng thi hành án và một số trụ sở cơ quan Thi hành án còn chậm do khó khăn về bố trí địa điểm, giải phóng mặt bằng..

Trong hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài và con nuôi nước ngoài,  nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, thông tin liên quan đến kết hôn có yếu tố nước ngoài. Thể chế về nuôi con nuôi còn chưa được hoàn thiện ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này....

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, toàn ngành tư pháp quyết tâm làm rõ những hạn chế, yếu kém, để có thể nhìn thẳng vào khó khăn tiếp tục vững bước trên con đường khẳng định mình và thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước.

Năm 2009 – những chuyển biến mạnh mẽ hơn

  Năm 2009 tới đây sẽ đặt ra những nhiệm vụ nặng nề cho ngành tư pháp. Ngành tư pháp sẽ phải triển khai thực hiện những nhiệm vụ mới, phức tạp, trong khi quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, kỳ vọng của người dân vào công lý, công bằng xã hội đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác tư pháp. Vì thế, ngành tư pháp nhất thiết phải có được những chuyển biến mạnh mẽ  trong mọi mặt hoạt động của mình thông qua việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác văn bản; nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; tăng cường chất lượng của hoạt động chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; hoàn thiện thể chế về bổ trợ tư pháp, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, báo chí, xuất bản..; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào đào cán bộ pháp luật tạo nguồn cho các cơ quan tư pháp...

Muốn vậy, các cán bộ tư pháp toàn ngành cần phải nỗ lực phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt xây dựng pháp luật. Các cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương cần tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Luật THADS và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật THADS tạo chuyển biến tích cực trong công tác THADS trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, việc tham mưu, phối hợp, theo dõi, hướng dẫn công tác xây dựng và thực hiện pháp luật trong lĩnh vực hành chính tư pháp, xã hội hoá hoạt động bổ trợ tư pháp... cũng là nhiệm vụ không thể xem nhẹ của các cơ quan tư pháp

Đặc biệt, để có được sự chuyển biến mạnh mẽ, ngành tư pháp nói chung và từng cơ quan, cán bộ tư pháp nói riêng cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương, các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai các hoạt động của ngành, coi đây là một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của công tác tư pháp.

Xuân Hoa