Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

18/12/2008
Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Ngày 17/12/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Tư pháp có buổi làm việc với lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm triển khai, phối hợp thực hiện công tác tư pháp trên địa bàn. Tham gia buổi làm việc còn có Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự, Công an, VKS và TAND tỉnh.

Bộ trưởng vui mừng trước những khởi sắc về kinh tế – xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Nhất là tiếp tục có những đổi mới để phát triển kinh tế để sớm đưa Bà Rịa - Vũng Tàu theo hướng hiện đại.

Trình bày với Đoàn về tình hình công tác tư pháp trong năm 2008, ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Trong 3 năm gần đây, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng trụ sở cho các cơ quan tư pháp từ nguồn kinh phí địa phương. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ cho cơ quan công an 2,5 tỷ đồng sửa chữa trại tạm giam, nhà tạm giữ; hỗ trợ 3,5 tỷ đồng mua sắm phương tiện phục vụ cho hoạt động tư pháp; Viện kiểm sát được hỗ trợ hơn 3,5 tỷ đồng; ngành Toà án được 4 tỷ đồng; riêng Thi hành án dân sự tỉnh được tỉnh hỗ trợ trên 700 triệu đồng để sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác.

Được biết, hiện tất cả các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã có Trưởng thi hành án dân sự. Chỉ còn một đơn vị là Thi hành án huyện Châu Đức chỉ có một chấp hành viên. Để tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ quan tư pháp địa phương, ông Sanh còn mạnh dạn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành văn bản pháp quy để thực hiện điểm 2.7, phần II, Nghị quyết 49-NQ/TW. Theo đó, “có cơ chế cho phép địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan tư pháp từ khoản vượt thu ngân sách của địa phương”. “Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc quy định tăng biên chế cho các Phòng Tư pháp, cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã; tăng biên chế cho các Cơ quan thi hành án dân sự địa phương và có chế độ đãi ngộ tốt hơn để công chức thi hành án gắn bó với ngành. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC cũng cần có sự phối hợp, chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác thi hành án dân sự ngay trong các giai đoạn tố tụng. Đồng thời, đầu tư xây dựng trụ sở, phương tiện làm việc nhằm bảo đảm cho các cơ quan tư pháp địa phương đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ tăng thẩm quyền theo lộ trình... Ông Sanh cho biết thêm, trong chức năng, quyền hạn của mình, sắp tới Tỉnh uỷ - HĐND và UBND sẽ tiến hành giải quyết tất cả những vướng mắc, khó khăn mà các cơ quan tư pháp tỉnh đang gặp phải.

Ngoài ra, với chức năng tham mưu cho chính quyền tỉnh về những vấn đề liên quan đến luật pháp, đặc biệt là công tác rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND tỉnh ban hành. Theo ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở Tư pháp: “Trong quá trình rà soát, hệ thống hoá, Sở đã lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực và danh mục những văn bản hết hiệu lực thi hành. Theo đó, số văn bản còn hiệu lực được tập hợp và in thành cuốn, với tên gọi “nôm na”: “Văn bản quy phạm pháp luật năm 2007”. Cuốn văn bản này được cấp phát cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và trang bị cả cho tất cả các tủ sách pháp luật phường, xã, thị trấn, nhằm thuận tiện trong việc tra cứu, áp dụng.

Nói về công tác thi hành án dân sự, ông Trần Văn Mười, Trưởng thi hành án dân sự tỉnh cho biết: “Chúng tôi luôn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến trong công tác thi hành án, hạn chế phát sinh việc tồn đọng mới. Bên cạnh đó, phấn đấu đạt 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành. Đồng thời, phân tích các nguyên nhân, xác định trách nhiệm, nhất là những vụ có điều kiện thi hành nhưng vẫn chưa thi hành được”. Tương tự một vài địa phương khác, việc cán bộ công chức thi hành án dân sự xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác xảy ra theo chiều hướng gia tăng. Chỉ riêng năm 2008, có 8 (tổng số biên chế 98) cán bộ nghỉ và chuyển công tác, ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ công chức đang công tác trong ngành.

Về kết quả thi hành án dân sự năm 2008, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt vượt chỉ tiêu Bộ giao. Cụ thể, về việc đạt 82,5% vượt 7,5%; về tiền 76,6% vượt 21,6%, cao hơn năm 2007 cả về số vụ việc và tiền. Nhưng số việc chưa có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ 40,9% là con số lớn, cần kiểm tra, rà soát lại. “Giữa án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành là ranh giới mỏng manh, vì vậy lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn nữa. Với đội ngũ nhân sự thi hành án dân sự hiện nay thì thi hành án dân sự tỉnh chưa thể hiện được sức mạnh của mình, nhất là trong thời điểm chuẩn bị tách khỏi Sở Tư pháp để thể hiện mình trong một vị thế mới” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói. Theo Bộ trưởng, khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực, vị thế của các đơn vị thi hành án dân sự sẽ được nâng tầm, kể cả chế độ đãi ngộ cũng sẽ khác. Đối với công tác nhân sự, không nhất thiết cán bộ thi hành án dân sự cấp huyện, kể cả tỉnh đều phải là cử nhân luật, ngoại trừ chấp hành viên. Bởi một chấp hành viên có thể có 1 đến 2 người giúp việc. Vì nếu ai cũng là chấp hành viên thì cơ quan không có “thợ”, mà toàn là “thầy”, như thế không thể làm việc tốt được.

Về công tác tổ chức tại Sở Tư pháp, Bộ trưởng lấy làm lo lắng khi Phòng “hành chính - tư pháp và bổ trợ tư pháp” lại chỉ có 3 người. Việc này, Bộ trưởng kiến nghị với lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện để Sở tách ra làm hai phòng, đồng thời tăng thêm biên chế, có như thế mới đảm bảo được nhiệm vụ của mình. Riêng đối với câu chuyện công chứng, chứng thực. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Công chứng mới là nội dung, còn chứng thực chỉ là hình thức”. Cán bộ tư pháp phải phân định rõ ràng để người dân hiểu tính pháp lý giữa công chứng, chứng thực và lý do tại sao chi phí công chứng lại cao hơn chứng thực. Có như thế, mới khắc phục chuyện mọi giao dịch, hợp đồng người dân đều mang đi chứng thực.

Phong Trần